Phụ cấp thù lao cho thành viên hội đồng quản trị - Đóng thuế bao nhiêu?

Tuần qua, chúng tôi nhận được rất nhiều câu hỏi xung quanh việc đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với các loại phụ cấp (phụ cấp theo quy định nhà nước, theo quy định tại đơn vị, phụ cấp ốm đau, thai sản vượt mức quy định của bảo hiểm…). Bên cạnh đó là việc thanh toán tiền theo hợp đồng khoán việc có phải khấu trừ thuế TNCN không?... Bà Trần Thị Lệ Nga, người phát ngôn của Cục Thuế TPHCM trả lời các thắc mắc này của bạn đọc.

  • Có khấu trừ thuế khi trả tiền khoán việc?

- Công ty chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và xây dựng, có ký hợp đồng khoán việc tư vấn, thẩm tra cho nhóm cá nhân. Vậy khi trả tiền, công ty có phải khấu trừ thuế TNCN không, hay nhóm cá nhân này phải trực tiếp kê khai nộp thuế? Để đưa khoản chi phí này vào công ty, chúng tôi phải yêu cầu nhóm cá nhân xuất chứng từ gì?

Nguyễn Bảo (Khánh Hòa, Nha Trang)

Điểm 2.4 mục I phần A Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26-12-2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng (GTGT) quy định: “Người nộp thuế GTGT là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT ở Việt Nam, không phân biệt ngành nghề, hình thức, tổ chức kinh doanh và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa, mua dịch vụ từ nước ngoài chịu thuế GTGT bao gồm: cá nhân, hộ gia đình, nhóm người kinh doanh độc lập và các đối tượng khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu...”.

Mục I phần A Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30- 9- 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế TNCN và hướng dẫn thi hành Nghị định số 100/2008/NĐ-CP ngày 8-9-2008 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế TNCN quy định: “Đối tượng nộp thuế TNCN bao gồm cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế theo quy định tại Điều 3 của Luật Thuế TNCN và Điều 3 của Nghị định số 100/2008/NĐ-CP. Đối với cá nhân cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập. Đối với cá nhân không cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập”.

Vì thế, căn cứ các hướng dẫn trên, khi công ty ông ký hợp đồng khoán việc cho nhóm cá nhân (do một người làm đại diện ký hợp đồng) để thực hiện công tác tư vấn, thẩm tra dự toán bước thiết kế kỹ thuật các dự án thì nhóm cá nhân này thuộc đối tượng phải đăng ký, kê khai và nộp thuế GTGT, thuế TNCN theo quy định.

Khi cung cấp hàng hóa dịch vụ theo hợp đồng khoán việc ký với công ty, nhóm cá nhân phải liên hệ cơ quan thuế để kê khai nộp thuế và cơ quan thuế sẽ cấp hóa đơn để nhóm cá nhân xuất hóa đơn cho công ty. Công ty căn cứ vào hóa đơn này để tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

  • Tiền phụ cấp: khoản nào miễn, khoản nào tính thuế?

- Tại bệnh viện của chúng tôi, ngoài tiền lương, nhân viên còn được trả phụ cấp, trong đó có những khoản phụ cấp do nhà nước quy định, có khoản do bệnh viện quy định. Vậy các khoản phụ cấp này có phải tính thuế TNCN hay không?

Nguyễn Minh Nam An (TPHCM)

Điều 1 Thông tư số 62/2009TT-BTC ngày 27-3-2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Thông tư 84/2008/TT-BTC ngày 30-9-2008 của Bộ Tài chính có hướng dẫn bổ sung vào điểm 2.2 các khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công như sau: “Đối với những lĩnh vực công tác, ngành nghề mà nhà nước có quy định chế độ phụ cấp, trợ cấp... thì các khoản trợ cấp, phụ cấp này không tính vào thu nhập chịu thuế”.

Như vậy, chỉ các khoản phụ cấp, trợ cấp ngành nghề mà Nhà nước có quy định mới được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNCN. Các khoản phụ cấp do bệnh viện tự quy định không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNCN.

- Công ty chúng tôi có rất nhiều khoản chi và lợi ích vật chất cho người lao động như: xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc, trợ cấp khó khăn, tai nạn lao động, chi quà tặng khi kết hôn, chi cho Ban kiểm soát... Vậy khoản nào phải chịu thuế TNCN, khoản nào được miễn?

Nguyễn Thị Như (Bình Dương)

Trường hợp công ty của bà có chi về phương tiện vận tải để đưa đón người lao động từ nơi ở đến nơi làm việc thì khoản thu nhập này phải tính vào thu nhập chịu thuế của người lao động để tính thuế TNCN. Nhưng nếu phương tiện vận tải vừa đưa đón người lao động, vừa phục vụ cho hoạt động kinh doanh của công ty thì công ty phải xác định riêng phần chi cho người lao động để tính vào thu nhập chịu thuế, nếu không hạch toán riêng được thì tính toàn bộ vào thu nhập chịu thuế của người lao động để tính thuế TNCN.

Các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và Bộ luật Lao động (trợ cấp một lần khi sinh con, trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...) là những khoản được trừ (theo mức phụ cấp, trợ cấp quy định tại các văn bản hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền) khi xác định thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công. Trường hợp công ty chi cao hơn mức phụ cấp, trợ cấp theo quy định thì phần chi vượt phải tính vào thu nhập chịu thuế của người lao động.

Các khoản chi cho người lao động không phải là trợ cấp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và Bộ luật Lao động như: quà tặng bằng tiền khi người lao động kết hôn, tiền quà cho con người lao động khi có thành tích học tập tốt… phải tính vào thu nhập chịu thuế để tính thuế TNCN.

Khi chi trả thù lao từ 500.000 đồng/lần trở lên cho thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát không ký HĐLĐ với công ty thì công ty phải khấu trừ 10% đối với cá nhân cư trú hoặc 20% đối với cá nhân không cư trú và kê khai, nộp thuế TNCN vào ngân sách nhà nước, cấp chứng từ khấu trừ thuế TNCN theo quy định.

Chế Hân - Q.Việt

Tin cùng chuyên mục