Phóng viên đài huyện bất ngờ mất việc

Mặc dù không vi phạm, luôn hoàn thành nhiệm vụ, yêu nghề, nhưng 4 phóng viên (PV) công tác tại Đài Truyền thanh - Truyền hình (TT-TH) huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) bất ngờ bị chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ). Việc này đã khiến 4 PV lâm vào cảnh “trở tay không kịp”. 
Các phóng viên bị chấm dứt hợp đồng. Nguồn: baonghean.vn
Các phóng viên bị chấm dứt hợp đồng. Nguồn: baonghean.vn
Tháng 3-2011, 4 PV Nguyễn Thị Hợp, Phan Thị Giang, Hồ Thị Nguyệt và Cao Thị Trâm Anh được Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Nghệ An ký HĐLĐ không xác định thời hạn với chức danh chuyên môn là PV, làm việc tại Đài TT-TH huyện Quỳ Hợp. Đến tháng 11-2011, Đài TT-TH Quỳ Hợp được giao về cho UBND huyện Quỳ Hợp quản lý theo quyết định của UBND tỉnh Nghệ An. 
Ngày 14-12-2017, UBND huyện Quỳ Hợp có công văn gửi các địa phương, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị sự nghiệp thực hiện chỉ đạo tinh giản biên chế của UBND tỉnh. Chỉ 2 tuần sau khi nhận công văn, ngày 29-12-2017, ông Hà Huy Nhâm, Trưởng Đài TT-TH Quỳ Hợp, đã ký thông báo chấm dứt HĐLĐ đối với 4 PV nói trên. Ông Hà Huy Nhâm lý giải, đến hết năm 2016, tỉnh không cấp ngân sách cho 4 hợp đồng của đài tỉnh như trước đây. Sang năm 2017, đài huyện phải lấy ngân sách chi thường xuyên của cơ quan để chi trả lương cho 4 PV này. Năm 2018, UBND huyện vẫn cấp ngân sách hỗ trợ, nhưng do tỉnh chỉ giao cho đài 9 biên chế, không có 4 HĐLĐ nên khi làm thủ tục để rút tiền trả lương, kho bạc huyện không giải ngân được. Điều nghịch lý là sau khi ký chấm dứt HĐLĐ, ông Nhâm vẫn phải “nhờ” 4 PV này tiếp tục làm việc trong hơn 4 tháng nay. 
Việc bị chấm dứt HĐLĐ bất ngờ khiến 4 PV thực sự bị sốc, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, cuộc sống của mỗi người. 4 PV đã gửi đơn kiến nghị lên UBND tỉnh Nghệ An. Ngày 3-4-2018, UBND tỉnh có công văn giao UBND huyện giải quyết. Tuy nhiên, ngày 16-4, UBND huyện Quỳ Hợp lại có công văn gửi lên xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Nội vụ. Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, cho biết đây là việc nằm ngoài thẩm quyền của UBND huyện. Hiện nhu cầu Đài TT-TH huyện đang rất cần phóng viên nhưng huyện không thể ký lại hợp đồng với 4 PV vì không được phép. Trong khi đó, ông Ngô Tất Tiềm, Phó Trưởng phòng Tổ chức biên chế (Sở Nội vụ Nghệ An) cho rằng, việc giải quyết khiếu nại của 4 PV thuộc thẩm quyền của UBND huyện. Nếu tiếp tục duy trì HĐLĐ cũ với 4 PV này thì vẫn có giá trị, còn việc ký hợp đồng mới thì theo quy định của Chính phủ là không được phép. 
Bà Hoàng Thu Hương, Phó Trưởng ban Chính sách Pháp luật (Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An), cho rằng công đoàn sẽ hỗ trợ pháp lý để 4 PV kiện ra tòa án cấp huyện về việc chấm dứt hợp đồng không đúng căn cứ pháp luật lao động. “Chúng tôi chỉ xét đến tính hiệu lực của bản hợp đồng không xác định thời hạn, thông báo chấm dứt hợp đồng không rõ ràng, không phù hợp với quy định của luật lao động. Việc khởi kiện sẽ theo hướng đề nghị hủy thông báo chấm dứt HĐLĐ, bố trí lại công việc như hiệu lực hợp đồng đã ký trước đây và đòi lại quyền lợi của người lao động bị thiệt hại do việc bị chấm dứt hợp đồng”, bà Hương cho biết thêm.

Tin cùng chuyên mục