Phóng viên chiến trường Ronald L. Haeberle và bộ ảnh về thảm sát Sơn Mỹ

Bộ ảnh này gồm 40 ảnh trắng đen và 20 ảnh màu ghi lại cảnh tượng kinh hoàng vụ thảm sát mà ông Ronald L. Haeberle chứng kiến.

Cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam có rất nhiều phóng viên chiến trường đến tác nghiệp. Những bức ảnh của họ đã phơi bày sự thật thảm khốc mà cuộc chiến tranh phi nghĩa này gây ra. Ông Ronald L. Haeberle là một phóng viên và gây sốt khi công bố bộ ảnh về thảm sát Mỹ Lai hay thảm sát Sơn Mỹ (nay thuộc xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi).

4 giờ ở Sơn Mỹ và sự thật vụ thảm sát

Mới đây, ông Ronald L. Haeberle đã đến tỉnh Quảng Ngãi và đồng ý trưng bày bộ ảnh vụ thảm sát Sơn Mỹ tại Khu chứng tích Sơn Mỹ. Bộ ảnh này gồm 40 ảnh trắng đen và 20 ảnh màu ghi lại cảnh tượng kinh hoàng vụ thảm sát mà ông chứng kiến.

Năm 1968, Ronald L. Haeberle

Năm 1968, Ronald L. Haeberle

Vào ngày 16-3-1968, quân viễn chinh Mỹ đã hành quân vào làng Sơn Mỹ với mục tiêu giết sạch, phá sạch, đốt sạch. Chỉ trong vòng 4 giờ, 504 thường dân vô tội ở Sơn Mỹ đã bị lính Mỹ thảm sát, gồm 60 cụ già, 173 trẻ em, 182 phụ nữ, 89 trung niên.

Sự kiện Sơn Mỹ đã gây nỗi đau thảm khốc đối với nhân dân Sơn Mỹ, Việt Nam và tạo ra cơn chấn động trên thế giới, đặc biệt là sau khi bộ ảnh về vụ thảm sát được công bố trên tạp chí LIFE của Mỹ vào năm 1969 do phóng viên chiến trường ông Ronald L. Haeberle ghi lại.

Ông Ronald L. Haeberle chia sẻ: “Tôi được quân đội Mỹ cử đi cùng với Đại đội C để chụp ảnh cuộc hành quân vào ngày 16-3-1968”. Lúc này ông Ronald L. Haeberle vẫn chưa biết về cảnh tượng sắp xảy ra, trước đó, quân đội Mỹ đánh dấu trên bản đồ quân sự là Pink Ville (Làng Hồng), nghĩa là làng thân Cộng sản. Tuy nhiên, vụ thảm sát kinh hoàng đã xảy ra, những cuộc xả súng liên hồi chĩa thẳng vào phụ nữ, trẻ em.

Chỉ trong 4 giờ, ông Ronald L. Haeberle đã chứng kiến hàng trăm dân thường bị sát hại trên khắp làng quê Sơn Mỹ trong đó nhiều phụ nữ và trẻ em ngã xuống.

Sau khi trở lại Mỹ, ông Ronald L. Haeberle đã quyết định đăng những bức ảnh mà ông ghi lại tại vụ thảm sát Sơn Mỹ trên tạp chí LIFE vào năm 1969. Ông nói: "Tôi quyết định đăng những bức ảnh này để phản đối chiến tranh. Tôi cảm thấy cần phải cho mọi người biết về những gì đang xảy ra trong chiến tranh”.

Từ những bức ảnh của ông Ronald L. Haeberle, thế giới đã biết đến thảm sát Sơn Mỹ và đã có những phiên tòa trên thế giới diễn ra phơi bày sự thật về vụ thảm sát này.

Để chứng tích cho vụ thảm sát Sơn Mỹ, ông Ronald L. Haeberle đã cho phép trưng bày trở lại bộ ảnh đen trắng và ảnh màu tại Khu chứng tích Sơn Mỹ (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi).

UBND tỉnh Quảng Ngãi và ông Ronald L. Haeberle thực hiện ký kết tiếp tục treo bộ ảnh của ông tại Khu chứng tích Sơn Mỹ vào ngày 8-3 vừa qua

UBND tỉnh Quảng Ngãi và ông Ronald L. Haeberle thực hiện ký kết tiếp tục treo bộ ảnh của ông tại Khu chứng tích Sơn Mỹ vào ngày 8-3 vừa qua

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi, chia sẻ: “Những bức ảnh của ông Ronald L. Haeberle là chứng tích để nói về vụ thảm sát Sơn Mỹ. Có thể nói, tất cả các vụ thảm sát tại Việt Nam đều không có hình ảnh nào thì riêng Sơn Mỹ có hình ảnh trực tiếp, điều đó rất đặc biệt. Chúng ta rất buồn nếu không được treo ở Sơn Mỹ những hình ảnh là bằng chứng cụ thể cho vụ thảm sát”.

Ông Nguyễn Tiến Dũng nói: “Việc gặp gỡ ông Ronald L. Haeberle, tác giả bộ ảnh là hết sức cần thiết. Ông Ronald L. Haeberle rất cởi mở và thấu hiểu. Tỉnh Quảng Ngãi và ông Ronald L. Haeberle đã ký thỏa thuận và buổi ký kết diễn ra vào ngày 8-3 vừa qua. Ông Ronald L. Haeberle nói rằng vụ thảm sát có rất nhiều phụ nữ và thực hiện ký kết để trưng bày trở lại vào ngày Quốc tế phụ nữ là việc làm có ý nghĩa. Sở VH-TT-DL đã tham mưu UBND tỉnh và quyết định treo tất cả bức ảnh vụ thảm sát trước ngày 16-3 tại Khu chứng tích Sơn Mỹ và chuẩn bị lễ tưởng niệm 55 năm thảm sát Sơn Mỹ”.

Hành trình trở lại Việt Nam

“Tôi luôn trở lại Sơn Mỹ vì sự tôn trọng đối với những người sống sót và những người đã thiệt mạng trong 4 giờ tôi ở Sơn Mỹ” - ông Ronald L. Haeberle nói.

Từ lần công bố bức ảnh về vụ thảm sát và sau khi hòa bình lập lại, ông đã nhiều lần trở lại làng quê Sơn Mỹ. Với ông, thời gian 4 giờ xảy ra vụ thảm sát đã in hằn trong tâm trí ông, mỗi lần trở về Quảng Ngãi đều khiến ông xúc động.

Ông Ronald L. Haeberle cùng với những bức ảnh của ông được trưng bày tại Khu chứng tích Sơn Mỹ khi ông đến thăm tại nơi xảy ra vụ thảm sát. Ảnh: NVCC

Ông Ronald L. Haeberle cùng với những bức ảnh của ông được trưng bày tại Khu chứng tích Sơn Mỹ khi ông đến thăm tại nơi xảy ra vụ thảm sát. Ảnh: NVCC

Vào ngày 7-3 vừa qua, ông đến thăm Trường THCS Võ Bẩm (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi), vùng quê nơi xảy ra vụ thảm sát Sơn Mỹ và tặng 100 suất quà, mỗi suất gồm cặp sách, hộp bút, áo mưa cho học sinh. Từ nguồn hỗ trợ của Dự án RENEW cung cấp với nguồn tài trợ của Chính phủ Ireland.

Ông nói: “Tôi tin vào các chương trình nhân đạo và cố gắng giúp đỡ tất cả những người dân đang cần hỗ trợ. Ở Việt Nam, tôi đã giúp đỡ các người dân vùng lũ lụt và dự án RENEW”.

Trong đợt hỗ trợ lũ lụt cho người dân Quảng Ngãi và Quảng Trị nhằm khắc phục hậu quả bão lũ xảy ra cuối năm 2020, ông Ronald L. Haeberle tổ chức kêu gọi cùng với sự hỗ trợ của ông Ron Carver và ông Chuck Searcy, đồng sáng lập dự án RENEW đã quyên góp hơn 28.000 USD để hỗ trợ cho người dân lũ lụt tại 2 tỉnh thông qua hội chữ thập đỏ. Ngoài ra, chương trình cũng hỗ trợ thiết bị học tập cho Trường THCS Võ Bẩm.

Tháng 9-2022, ông Ron Carver đã hỗ trợ cho tổ chức Những người bạn của Dự án RENEW tại Hoa Kỳ kêu gọi quyên góp trong đó có ông Ronald L. Haeberle, hoạt động này giúp Dự án RENEW mở rộng sang tỉnh Quảng Ngãi.

Khi huy động được 100.000 USD thì dự án RENEW sẽ nhân rộng hoạt động giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn và hỗ trợ nạn nhân/người khuyết tật tại Quảng Ngãi trong năm 2023 này.

Ông Ronald L. Haeberle khẳng định: "Tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ nhân dân Việt Nam ở những nơi cần viện trợ nhân đạo”.

Tin cùng chuyên mục