1. Chiếc xe đẩy nhỏ treo lủng lẳng bánh kẹo, chất mấy loại nước uống đóng chai, kèm dòng chữ “nước dừa”, nhìn qua ai cũng biết ngay xe bán đồ ăn vặt, nước giải khát và món “đặc sản” là nước dừa.
Nép một góc trên đường Đinh Công Tráng (quận 1), vài cái ghế nhỏ để khách ngồi lại uống, vậy mà xe nước dừa tồn tại ngót nghét đã hơn 30 năm. Nước dừa không thiếu chỗ bán, nhưng anh bạn tôi cứ một hai phải ghé lại chỗ này, vì đã uống quen từ hồi học cấp 2. Nước dừa tươi đựng trong ly cối, nước đá kèm vài miếng cơm dừa cắt vừa miệng ăn, uống một hớp mát ngọt cả cổ họng… Chỉ bấy nhiêu thôi mà giữ chân khách suốt mấy chục năm trời.
Một nhóm 4 khách rôm rả nói chuyện, chốc lát lại quay sang vài ba câu với ông chủ xe nước dừa. “Bữa uống nước dừa, bữa uống cà phê, chủ yếu khoái ngồi nói chuyện với ổng mày ơi”, ông Phan Văn Tâm (50 tuổi, ngụ quận 3) kể. Tiếp lời, ông Văn Ngọc (55 tuổi, ngụ quận 1) hóm hỉnh nói: “Giờ ổng chịu ngồi yên đây, chứ hồi xưa đẩy tới đẩy lui, có bữa muốn uống mà kiếm hoài hông thấy xe ổng đâu, tao về luôn”.
Nhóm khách ra về, cả thảy 4 ly nước hết gần 60.000 đồng, tôi hỏi: “Bán vầy có lời hông chú?”. “Hỏi ghẹo tao bây, hông lời sao bán nổi hơn ba chục năm rồi”, chú Ba (59 tuổi), chủ xe nước dừa nói. “Nói nào ngay, nhín chút chút thì đủ ăn đủ xài chứ hông giàu có gì đâu nghen. Khách mối có, khách vãng lai cũng có, còn bánh kẹo này thì chủ yếu là tụi học sinh nó hay mua, nên tao bán thêm”, chú Ba kể thêm. Nói về cái xe “kiếm cơm” của mình, chú Ba cười: “Dòm nhỏ vậy thôi chứ có võ nha, còn chắc lắm bây. Hồi xưa, đẩy đi tới đi lui nhiều cũng không hư hao gì mấy, giờ ngồi yên chỗ này thì bán khỏe ra, mấy chục năm nữa cũng không phải thay xe mới”.
2. Những chiếc xe bán đồ ăn, nước uống không lạ gì ở thành phố này. Nhưng bất chợt bắt gặp chiếc xe gỗ vẽ kính, khiến người ta không khỏi bồi hồi về một ký ức xưa ở thành phố. Loại xe bán hàng này một thời rất phổ biến, nhất là những tiệm ăn của người Hoa, nhưng theo thời gian kiểu xe này cũng vơi dần… Đến độ khi gặp lại chợt thấy như của hiếm mang hoài niệm một thời.
Xe hồng trà tắc với gỗ sơn vàng, kính được vẽ theo phong cách người Hoa khiến khách uống rồi cứ nhớ mãi vị trà lẫn cái xe đặc trưng. Ly hồng trà mát lạnh, có vị chua của tắc, chát của trà nhưng tới họng chỉ còn vị ngọt và mát, thoảng mùi thơm nhẹ nhàng của trà. Điều đặc biệt ở những tiệm ăn của người Hoa chính là công thức “cha truyền con nối” và xe hồng trà tắc của chú Kiên (30 Cô Giang, quận 1) cũng vậy, vị trà hồng trà ngon một cách riêng biệt không lẫn đi đâu được.
“Ủa! Cái xe màu vàng đâu rồi chú?”, khách mua hồng trà hỏi. Chú Kiên khoát tay: “Xe lâu năm quá, hư không sửa được nữa nên chú thay rồi con ơi”. Dòm mặt anh khách có vẻ tiếc cái xe gỗ sơn vàng đã quen thuộc, chú Kiên nói tiếp: “Bây dòm thử phía trên cái xe này coi, phần kính vẽ còn nguyên nên chú giữ lại gắn qua đây, khung xe hư quá rồi nên phải thay mới”. Anh khách dòm một hồi, gật đầu lia lịa, rồi mới chịu rời đi, chú Kiên nói vọng theo: “Thay xe mới chứ hồng trà vẫn ngon như cũ, bữa sau ghé nữa nghen”.
Chú Kiên (65 tuổi) kể: “Cái xe cũ cũng gần 40 năm rồi, hồi đó tôi đặt thợ bên chợ Thiếc làm”. Dấu ấn xe cũ, chỉ còn phần kính vẽ phía trên, chú Kiên tiếc vì tiệm làm loại xe này giờ rất hiếm, mà có tìm được cũng chưa chắc ưng ý. Và tôi cũng tiếc, vì dấu xưa dần phai mờ, đôi khi chỉ là dáng hình một cái xe bán hàng nhưng cũng đủ khiến người ta nhớ da diết một nét đặc trưng của ẩm thực xứ này.
3. Theo thời gian, những chiếc xe bán hàng không chỉ ăm ắp đồ ăn mà còn chuyên chở cả những câu chuyện đời. “Tui với bả sống với cái xe này ngót nghét 25, 26 năm rồi, nuôi con cái ăn học cũng nhờ nó đó”, chú Hùng (chủ xe bánh bao chiên, 45 Huỳnh Tịnh Của, phường 8 quận 3) cho biết.
Chồng cán bột, vợ nắn bánh, chảo dầu nóng chiên liên tục. Bánh bao chiên của chú Hùng giữ chân khách bởi mọi thứ trong cái bánh đều vừa vặn, nhân bên trong dày dặn với chút vị mặn ngọt, vỏ bánh đủ mỏng để chiên lên lớp ngoài cùng nóng giòn, bên trong ngọt mềm. Và hơn hết chính là cái giá 4.000 đồng/bánh, nên cánh tài xế xe ôm, công nhân, dân văn phòng ghé mua rôm rả.
Nhiều người ái ngại với những món quà vặt bởi câu chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm. “Bán kế trường học, nên khách ruột là mấy đứa nhỏ. Có đứa ba mẹ mua cho ăn quen rồi thì không sao. Có đứa vừa bước lại, tính mua một cái thì bị rầy um sùm, nào là không sạch sẽ, ăn đau bụng. Tui nghe cũng quen rồi nên cười trừ thôi hà, người ta không biết mình cũng không trách”, chú Hùng kể. “Bán có 4.000 đồng nhưng tôi kỹ lắm, dầu thay mới mỗi ngày, hai vợ chồng rửa tay sạch sẽ rồi mới đứng làm bánh. Chuyện mua bán, thối tiền để thằng con trai út lo, chứ không có tay bốc tiền tay bốc bánh được. Có khách mới thì họ ngại, ăn quen rồi thì khoái thành ra khách mối luôn, lâu lâu lại ra kiếm xe bánh bao chiên, tui mới đẩy lại đây chứ hồi trước là chỗ địa chỉ 65”, cô Cư (vợ chú Hùng) kể tiếp.
Theo nhịp phát triển của cuộc sống, người ta ngày càng có nhiều lựa chọn trong chuyện ăn uống, từ đặc sản vùng miền đến ẩm thực nước ngoài đều có đủ. Nhưng những chiếc xe bán rong hay đứng im một góc đường vẫn có riêng cho mình một lượng khách hàng, bởi dù là khách bình dân hay hạng sang đều có thể ghé lại và tìm cho mình một món hợp khẩu vị.
Và ở thành phố này, “đặc sản ẩm thực” dường như là một khái niệm rất rộng, nó có thể là sự sáng tạo trong những món thân thuộc hàng ngày, để người bán có thể cạnh tranh nhau, cùng là một tô hủ tiếu hay ổ bánh mì, nhưng chỗ này vị khác, chỗ kia có chút đặc biệt riêng… Và đặc sản ở đây cũng có thể là những chiếc xe bán hàng gắn bó với chủ có khi cả nửa cuộc đời, chuyên chở những món ăn, ly nước mát lành khắp các con đường trong thành phố và gói ghém cả những câu chuyện đời dày theo năm tháng.