Trong những mong ngóng, chộn rộn ngày cuối năm, lịch cũng là thứ để người ta đợi chờ, chờ xem ngày đầu năm mới là thứ mấy, lịch năm nay có đẹp không… Vui nhất là không khí nhộn nhịp của những ngày giáp tết, những ngày chờ đợi để treo lên tường, đặt lên bàn một cuốn lịch mới và hơn hết là chờ mong với hy vọng một năm mới tốt đẹp hơn.
Có những phạm trù thuộc về đời sống tâm linh, đâu đó người ta vẫn thường cho rằng: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, cũng vì lẽ đó mà tờ lịch có ngày dương, ngày âm được nhiều người ưa chuộng. Người giở lịch xem hôm nay là ngày mấy âm lịch rồi nhẩm tính giỗ chạp trong nhà, có người xem tháng âm là tháng đủ hay thiếu, thuộc con giáp nào… Và dù là mục đích nào thì tờ lịch vẫn là thứ thiết yếu trong đời sống hàng ngày. Cuốn lịch cứ mỏng dần, người ta lại chộn rộn “Tết tới nơi rồi!”.
Một năm ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, giãn cách xã hội kéo dài mấy tháng liền, sạp lịch năm nay thu nhỏ lại, cũng chỉ vài kiểu lịch để khách lựa, cô Ngọc (52 tuổi) bày một sạp lịch nhỏ gần Lăng Ông Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) buồn hiu: “Năm nay, bán ít lắm, khách mua cũng lựa loại vừa vừa tiền thôi, tôi cũng lấy đủ bán chứ không dám lấy nhiều như năm ngoái. Thôi kệ, dịch mà, còn bán được là còn vui, nhưng chắc tết năm nay không bằng mọi năm rồi”. Tờ lịch cũng buồn theo nhịp đời của những người lao động nghèo. Cơm áo gạo tiền ngày giáp tết trở thành áp lực nặng gánh trên vai, nên tờ lịch có hay không cũng được, chứ kể gì đẹp hay xấu, hoa văn tròn hay méo.
Dòng người hối hả qua phố, thỉnh thoảng có khách dừng lại lựa tới lựa lui rồi lại đi. Ít người mua, sạp lịch của cô Ngọc đã nhỏ lại càng thêm buồn. Những ngày tất bật cuối năm chẳng mấy ai quan tâm đến sách. Nằm bên cạnh đường hoa nô nức lượt người, đường sách xuân năm nào cũng trầm lắng hơn, vẫn có khách tham quan, mua sắm, nhưng so với khách tới dạo và chụp hình ở đường hoa thì chẳng đáng là bao.
Một năm mới khởi đầu từ rất nhiều thứ, nhưng gần gũi nhất là tờ lịch và năm mới khởi đầu bằng một cuốn sách sẽ rất hay, nhưng chẳng mấy bạn trẻ ngày nay quan tâm. Người ta trông đường hoa, đường sách xuân để chụp hình “check-in”, hay đến Đường sách TPHCM để tạo dáng bên những kệ sách cao chất ngất. Cái thú chụp hình chẳng có là gì sai hay xấu, nhưng để nó lấn át dần văn hóa đọc và nhất là phong vị thưởng sách ngày xuân, một điều rất đáng để chúng ta suy ngẫm và nhìn nhận lại.
Một cuốn sách sẽ chẳng thể viết hết kiến thức nhân loại, hay hứa hẹn chắc chắn sẽ mở màn một năm mới thuận lợi, suôn sẻ. Nhưng một năm mở đầu bằng những trang văn nhẹ nhàng, câu chuyện về văn hóa truyền thống ngày xuân của dân tộc, là điều rất đáng để lan tỏa. Người ta luôn mong cầu một năm mới nhiều may mắn, bình an, chúc nhau công thành danh toại, nhưng lại quên mất rằng cái phong vị thanh tao, nhẹ nhàng đó cũng có trong sách tết, sách xuân chứ chẳng ở đâu xa xôi.