Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết, trước diễn biến nóng của vấn đề nhập khẩu phế liệu và tồn đọng ở một số cảng biển, bộ đã lập nhiều đoàn thanh tra và đề xuất phương án xử lý lên Thủ tướng. Từ tháng 6-2018 đến nay, cả nước có khoảng 10.000 container phế liệu tồn đọng ở các cảng biển và đã xác định 3.029 container vô chủ. Bộ TN-MT đã tham mưu Chính phủ yêu cầu các chủ tàu phải vận chuyển số container này ra khỏi lãnh thổ Việt Nam sau 30 ngày.
Nhằm hạn chế phế liệu không rõ nguồn gốc nhập khẩu vào Việt Nam, Bộ TN-MT đã giảm từ 36 loại rác xuống còn 23 loại được nhập theo danh mục; đồng thời ban hành 2 thông tư với 6 quy chuẩn quốc gia về nhập khẩu rác; rà soát lại giấy phép đã cấp cho các đơn vị nhập khẩu rác trước đây. Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức nhấn mạnh: “Đối với việc giấy phép cấp mới, chúng tôi chỉ cấp cho doanh nghiệp có đánh giá tác động môi trường.
Các đơn vị này phải chứng minh được nhập khẩu rác về để sản xuất ra ít nhất một loại sản phẩm có giá trị cụ thể”. Theo quy định hiện hành, Việt Nam chỉ cho phép nhập khẩu rác thải bằng đường biển, không cho phép nhập khẩu rác bằng các loại hình vận tải khác. Từ tháng 9-2018, Việt Nam đã thực hiện phương án “phòng vệ từ xa” đối với việc nhập khẩu phế liệu. Nếu như trước đây các các container cập cảng xuống hàng sau đó chủ tàu mới phải điền tờ khai thì hiện nay, ngay khi các tàu đang ở ngoài biển, các đơn vị đã buộc phải khai có hay không giấy phép nhập khẩu rác; nếu không có thì không cho phép đi vào lãnh hải Việt Nam.
Cũng tại buổi họp báo, Bộ TN-MT đã công bố kết luận thanh tra quy trình vận hành xử lý rác thải của Ban quản lý bãi rác Xuân Sơn (Sơn Tây, Hà Nội) sau vụ bị bắt quả tang xả trộm nước rỉ rác ra môi trường đêm 23-10. Với những vi phạm, đơn vị chủ quản bãi rác Xuân Sơn là Chi nhánh Môi trường đô thị số 6 (Urenco 6) thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội bị phạt 1,9 tỷ đồng.