Đặc biệt, trong 128 vụ điều tra, khởi kiện thì có đến 85% liên quan đến ngành thép (chủ yếu là điều tra chống bán phá giá). Sản phẩm thép Việt Nam đang phải cạnh tranh khốc liệt để vượt qua những rào cản kỹ thuật và phòng vệ thương mại của các nước.
Nhận diện nguyên nhân
Tổng cộng có 11 thị trường đã khởi kiện thép Việt Nam là Mỹ, EU, Liên minh Kinh tế Á-Âu và một số đang xem xét khởi kiện như Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan... Ngành sản xuất thép trên thế giới đang ngày càng dư thừa công suất sản xuất là nguyên nhân chính và trực tiếp đã tác động đến ngành thép của các nước, trong đó có Việt Nam. Đáng chú ý, các cường quốc sản xuất thép đã gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ thép Trung Quốc với những lợi thế về giá, dẫn đến những thiệt hại cho ngành sản xuất thép của quốc gia họ.
Theo Ủy ban Thép của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), lượng sản xuất thép thế giới đã tăng gấp đôi từ năm 2000 đến 2016 (từ 1,05 tỷ tấn đến 2,39 tỷ tấn). Công suất sản xuất thép trên thế giới trong năm 2015 đã vượt nhu cầu khoảng 700 triệu tấn và 800 triệu tấn trong năm 2016. Nguyên nhân được cho là do sự gia tăng sản xuất của Trung Quốc. Theo đó năm 2006, nước này mới sản xuất 488 triệu tấn nhưng đến năm 2016 đã sản xuất 1,16 tỷ tấn thép.
“Trong bối cảnh dư thừa công suất sản xuất và chưa có một giải pháp đa phương, nhiều nước đã có những biện pháp riêng nhằm xử lý vấn đề này, nổi bật là Hoa Kỳ. Tính đến tháng 4-2018, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã điều tra và áp dụng 437 lệnh áp thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp, trong đó 225 lệnh là liên quan đến sản phẩm thép, trong đó có Việt Nam” - Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết.
Bên cạnh các biện pháp phòng vệ thương mại, Hoa Kỳ đã sử dụng nhiều công cụ khác nhau để hạn chế nhập khẩu thép của Trung Quốc nói riêng và toàn thế giới nói chung. Điển hình trong số đó là biện pháp hạn chế nhập khẩu thép vì lý do an ninh quốc gia với mức thuế 25% dành cho thép nhập khẩu từ tất cả các nước (trừ một số nước được miễn trừ). Hay Ủy ban châu Âu (EC) đã điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với thép nhập khẩu với lý do lo ngại thép bị chặn khi vào Hoa Kỳ sẽ chuyển hướng sang thị trường các nước trong Liên minh châu Âu. Nhìn chung, các nước đang rất chủ động để có những biện pháp xử lý với tình trạng dư thừa công suất thép toàn cầu.
Khép kín quy trình sản xuất
Trên thực tế, việc các nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản phẩm thép trong nước đã diễn ra lâu nay. Do vậy, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là những thương hiệu lớn đã có những giải pháp để đối phó. Trong đó, giải pháp chủ yếu vẫn là tập trung vào hoàn thiện hơn nữa quy trình sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh; khép kín từ khâu đầu vào đến đầu ra để loại trừ dần nguồn gốc xuất xứ từ các nước, tránh được “bẫy” lẩn tránh thuế.
Đơn cử, tại Công ty CP Tôn Đông Á đã tập trung đầu tư công nghệ để sản xuất ra sản phẩm thép có chất lượng cao nhằm tự tin hơn khi bước ra sân chơi quốc tế; đồng thời, hạn chế việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ các nước. Công ty Thép Tây Đô đang chuẩn bị đầu tư thêm một nhà máy mới trong khu công nghiệp Trà Nóc 1 với các dây chuyền từ luyện, đúc sang cán thép với sản lượng từ 200.000-250.000 tấn thép thành phẩm/năm, tổng kinh phí đầu tư khoảng 400 tỷ đồng. Đây được xem là bước đi chiến lược để gia tăng sản lượng và tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm thép Tây Đô, ứng phó trước các vụ việc phòng vệ thương mại khi tham gia vào thị trường quốc tế. Tương tự, Tập đoàn Hòa Phát đã mạnh dạn đầu tư khu liên hợp gang thép Dung Quất, Hòa Phát với quyết tâm trở thành nhà sản xuất thép cán nóng hàng đầu tại Việt Nam.
Để thực hiện hóa quyết tâm này, doanh nghiệp phải đầu tư, thực hiện đạt chuỗi giá trị sản xuất khép kín từ quặng sản xuất thép cán nóng đến sản phẩm tôn thép và phân phối. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp nâng năng lực cạnh tranh và giảm thiểu tối đa bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ các thị trường xuất khẩu. Chính vì vậy, trong rất nhiều vụ việc liên quan đến kiện phòng vệ thương mại thời gian qua, doanh nghiệp này đã phòng tránh tốt nhờ chủ động phối hợp và chứng minh được xuất xứ, năng lực cạnh tranh của mình. Điển hình như vụ việc không bị áp thuế khi xuất khẩu sang EU hay phía Australia tuyên bố thép Hòa Phát không bán phá giá thép cuộn sang thị trường này.
Để hạn chế thấp nhất việc bị khởi kiện phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp nên tự bảo vệ mình bằng cách trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại, thường xuyên có hoạt động trao đổi thông tin với hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước, nhằm nắm bắt được những thông tin cảnh báo sớm về khả năng bị khởi kiện tại thị trường xuất khẩu, từ đó lên phương án điều chỉnh hoạt động kinh doanh để tránh bị khởi kiện.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, ngoài hoàn thiện, khép kín quy trình sản xuất, doanh nghiệp cần tỉnh táo nhìn nhận bức tranh tổng thể để thấy việc tăng công suất, tăng đầu tư hướng đến xuất khẩu vào giai đoạn này là rất rủi ro. Do đó, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ lưỡng, xây dựng chiến lược kinh doanh thận trọng, đánh giá đầy đủ các rủi ro. Đặc biệt, không nên coi việc các nước áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với thép Trung Quốc là “cơ hội xuất khẩu” đối với thép Việt Nam. |