Ngày 9-1, gần 4 triệu cử tri miền Nam Sudan bắt đầu tham gia cuộc trưng cầu dân ý về việc nên tiếp tục thống nhất với miền Bắc hay tách ra thành lập một nhà nước riêng. Kết quả cuối cùng dự kiến sẽ được công bố vào ngày 6-2 tới.
Đây là giai đoạn cuối cùng trong tiến trình thực hiện Hiệp định hòa bình toàn diện năm 2005, nhằm chấm dứt cuộc nội chiến còn lâu hơn nền độc lập của Sudan, đã kéo dài 50 năm giữa những người theo đạo Hồi ở miền Bắc với Phong trào giải phóng nhân dân ở miền Nam Sudan (SPLM/A) gồm những người theo đạo Thiên Chúa và các tôn giáo truyền thống, khiến 2 triệu người thiệt mạng và 4 triệu người phải di tản.
Nếu miền Nam Sudan độc lập, Sudan mất nguồn tài nguyên dầu khổng lồ bởi miền Nam chứa đến 70% dự trữ dầu thô của nước này và hiện đang được các công ty của Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ khai thác.
Ai Cập - nước láng giềng gần gũi nhất của Sudan - hiện đang rất lo ngại về những ảnh hưởng tai hại của một nước Sudan bị chia cắt đối với an ninh quốc gia và nền kinh tế Ai Cập. Trong một bức điện ngoại giao bị rò rỉ, trùm tình báo Ai Cập Omar Suleiman nói với Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, rằng “Ai Cập không muốn một nước Sudan bị chia cắt”.
Còn theo một bức điện khác, các nhà ngoại giao Ai Cập đã vận động hành lang để trì hoãn cuộc trưng cầu dân ý này thêm 4-6 năm nữa vì họ sợ “những ảnh hưởng tai hại” của việc ly khai, chẳng hạn như làn sóng người di cư sang Ai Cập, làm giảm nguồn thu từ kênh đào Suez và ảnh hưởng tới việc chia sẻ nguồn nước sông Nile của Ai Cập. Bởi hiện giờ có 10 quốc gia chia sẻ nguồn nước sông Nile, cũng đã đủ tranh cãi gay gắt.
Báo Bình luận Trung Quốc cho rằng đây có thể coi là tín hiệu xấu báo hiệu các phong trào ly khai đòi tự trị mới tại lục địa đen, lâu nay vẫn chìm trong các cuộc nội chiến đẫm máu về sắc tộc, tôn giáo và quyền tự trị.
Trên thực tế, các cuộc nội chiến dân sự, xung đột sắc tộc diễn ra ở các quốc gia châu Phi thời gian qua đều xuất phát từ mục đích đòi ly khai, quyền tự trị và cuộc trưng cầu dân ý diễn ra ngày 9-1 tại miền Nam Sudan sẽ là “ngòi nổ châm vào thùng thuốc súng” đòi ly khai, tự trị tại một số khu vực, lãnh thổ như ở Nigeria, Bờ Biển Ngà, Somalia, Angola và Morocco. Các quốc gia này đang tồn tại các mâu thuẫn, bất đồng sâu sắc xuất phát từ lợi ích sắc tộc, tôn giáo, ngôn ngữ, lợi ích kinh tế không đồng đều và sự thao túng của lãnh đạo các đảng phái, bộ lạc đang thổi bùng các căng thẳng.
Một nguyên nhân không kém phần quan trọng đang thổi bùng làn sóng đòi ly khai, quyền tự trị ở các quốc gia châu Phi là sự điều hành yếu kém của các nhà lãnh đạo độc tài. Chính phủ không minh bạch, quan chức lãnh đạo năng lực kém, cộng thêm nạn tham nhũng ngày càng làm nảy sinh mâu thuẫn giữa các khu vực, lợi ích của các vùng miền.
Việt Anh