Đến dự có các đồng chí: Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh Bến Tre qua các thời kỳ, cùng đại diện các bộ, ngành trung ương và hơn 300 đại biểu tham dự.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định: Sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua Nghị quyết 15 đã tạo nên phong trào Đồng Khởi trên toàn miền Nam và đã giành được thắng lợi hết sức to lớn, tạo nên bước ngoặt có ý nghĩa chiến lược.
Điều đó khẳng định Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II là một quyết sách đúng đắn, chuyển hướng chỉ đạo đối với phong trào cách mạng miền Nam, phản ánh đúng xu thế phát triển khách quan của lịch sử và đáp ứng được yêu cầu nóng bỏng của quần chúng cách mạng; khẳng định tính đúng đắn trong việc xác định đường lối cách mạng miền Nam của Đảng.
Cùng với đó, khẳng định sự nhạy bén, sáng tạo của Xứ ủy Nam bộ và các cấp bộ Đảng trong tổ chức chỉ đạo, phát động phong trào; phát huy sức mạnh đấu tranh của quân và dân là nhân tố quyết định trực tiếp dẫn tới thắng lợi của phong trào Đồng Khởi.
Theo Phó Chủ tịch nước, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng về kỷ niệm 60 năm phong trào Đồng Khởi là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nhìn lại sự kiện lịch sử trọng đại này, tự hào về những chiến công của các thế hệ cha anh đã lập nên trong phong trào Đồng Khởi nói riêng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung; đúc rút những bài học kinh nghiệm, bài học lịch sử để vận dụng, phát huy, để tạo nên khí thế “Đồng Khởi mới” trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh: Thắng lợi của cuộc Đồng Khởi ở Bến Tre ghi đậm mốc son lịch sử trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc nói chung và của nhân dân Bến Tre nói riêng. Chiến công đó của Đảng bộ và nhân dân Bến Tre được cả nước ghi nhận, như Đại tướng Hoàng Văn Thái, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã khẳng định: “Phong trào Đồng Khởi 1960 là mô hình hoàn chỉnh của khởi nghĩa toàn dân, của khởi nghĩa nông thôn đồng bằng. Nó thúc đẩy toàn Nam bộ nổi dậy chống Mỹ, cứu nước với khí thế long trời lở đất. Vì vậy, Bến Tre là quê hương của Đồng Khởi theo đúng nghĩa của Đồng Khởi. Phong trào Đồng Khởi năm 1960 của Bến Tre đã đi vào lịch sử như ngọn cờ đầu, có một vị trí xứng đáng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của miền Nam nói riêng và cả nước nói chung”.
Theo Thượng tướng Lê Chiêm, tại cuộc hội thảo này, ban tổ chức đã nhận được gần 80 báo cáo tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, các ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương, các quân khu, quân đoàn, quân, binh chủng, học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội…
Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập, luận giải từng vấn đề cụ thể, nhưng tất cả đều tập trung làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn sau đây: Thắng lợi của phong trào Đồng Khởi 1960 - thành công xuất sắc trong chỉ đạo chiến lược của Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; thắng lợi của phong trào Đồng Khởi - thể hiện sự nhạy bén, sáng tạo của Xứ ủy Nam bộ và các cấp bộ đảng miền Nam; thắng lợi của phong trào Đồng Khởi đánh dấu sự hình thành phương châm đấu tranh “hai chân, ba mũi”, sự ra đời của “Đội quân tóc dài”; thắng lợi của phong trào Đồng Khởi đánh dấu bước phát triển của nghệ thuật chỉ đạo mở đầu chiến tranh cách mạng.
Nhìn tổng thể, trong hội thảo “Phong trào Đồng Khởi 1960 - Bước ngoặt của cách mạng miền Nam”, các tham luận đã cung cấp nhiều luận điểm, luận cứ mới, tập trung phân tích, làm sâu sắc hơn, cụ thể hơn tầm vóc, ý nghĩa của sự kiện Đồng Khởi.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: Năm tháng sẽ qua đi, thắng lợi của phong trào Đồng Khởi 60 năm trước đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam như một trong những chiến công hiển hách nhất. Chiến công oanh liệt đó đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý, cần tiếp tục nghiên cứu, đúc rút thành những quy luật, những kinh nghiệm lịch sử, trên cơ sở đó vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Phong trào Đồng Khởi đã làm tan rã hệ thống chính quyền Sài Gòn ở nhiều vùng nông thôn miền Nam, trong số 1.193 xã toàn Nam bộ đã có 895 xã với 10 triệu lượt người nổi dậy phá thế kìm kẹp, lập chính quyền tự quản; vùng giải phóng được hình thành, nối liền từ Tây Nguyên đến miền Tây Nam bộ và đồng bằng Liên khu V; lực lượng vũ trang nhân dân phát triển mạnh… Từ thắng lợi của phong trào Đồng Khởi, tháng 12-1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, giữ vai trò tổ chức, tập hợp lực lượng, đẩy mạnh cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam. |