Là mô hình cho nhiều nơi
Ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT-TT, cho biết: “Thực hiện kế hoạch của sở, UBND 24 quận, huyện của thành phố đã tổ chức thành công các sự kiện liên quan đến Ngày Sách Việt Nam hàng năm với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, gồm các chủ đề khác nhau như: hoạt động dành cho thiếu nhi, tổ chức tọa đàm, giao lưu kể chuyện theo sách, trao đổi sách, quyên góp sách tặng các em thiếu nhi nghèo…”.
Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, đánh giá cao sức lan tỏa và hiệu quả của Ngày Sách Việt Nam tại TPHCM. Ông Hòa cho rằng “Phong trào ở TPHCM có thể nói là tốt nhất cả nước” và lý giải: Về chiều rộng, phong trào không chỉ phủ rộng cho thành phố mà còn ra ngoài TPHCM, tạo nên sức lan tỏa của một trung tâm kinh tế, văn hóa của cả nước. “Đã có những địa phương đã và đang mời TPHCM về truyền đạt kinh nghiệm xây dựng mô hình đường sách như Vũng Tàu, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau… Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng làm thành công như TPHCM”, ông Hòa nhận định.
Còn về chiều sâu: “Ở TPHCM chắc chắn sâu hơn những nơi khác”, ông Chu Văn Hòa khẳng định. Ngoài bề dày truyền thống đọc sách có từ lâu, từ thời Pháp thuộc đã có những nhà sách, thương hiệu sách cho đến bây giờ cũng có những nhà sách tư nhân “thành đồng bất khuất”. Sự phát triển và hiệu quả của các đơn vị sách tư nhân hay hoạt động có hiệu quả của Đường sách TPHCM đã ảnh hưởng đến bộ mặt du lịch của TPHCM. Không chỉ khuyến khích phong trào đọc, những người làm sách, phục vụ cho người dân thành phố mà nó là gương mặt của đất nước.
Mặc dù vậy, đánh giá về thực trạng văn hóa đọc của Việt Nam hiện nay, ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, lại cho rằng “Không vui, còn kém”. Cụ thể, Chỉ thị 42 đề ra, phấn đấu đến năm 2010 đạt chỉ tiêu 6 bản sách/người/năm; còn trong đề án phát triển văn hóa đọc do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký, chỉ tiêu là 5 bản sách/người/năm.
Đến năm nay, với hơn 370 triệu bản sách được xuất bản, tính trung bình đã hơn 4 bản sách/người/năm. “Đây là điều đáng mừng nhưng gần 10 năm vẫn chưa thực hiện được chỉ tiêu 6 bản sách/người/năm. Rõ ràng là thói quen, sức đọc của người Việt hiện nay rất thấp”, ông Lê Hoàng kết luận.
Tiếp tục lan tỏa văn hóa đọc
Sau 3 năm thành lập, Đường sách TPHCM đã đạt được những con số thực sự ấn tượng: doanh thu 105,75 tỷ đồng; hơn 2 triệu bản sách bán ra; 43 hoạt động chủ đề gắn với các sự kiện chính trị văn hóa của thành phố và cả nước; 51 cuộc trưng bày - triển lãm sách, tranh, ảnh, vật phẩm văn hóa; 433 chương trình giới thiệu sách, giao lưu tác giả, ký tặng sách, các buổi tọa đàm, nói chuyện liên quan đến nghề nghiệp, các vấn đề thời sự, văn hóa, giáo dục, xã hội. Đây xứng đáng là mô hình mà các nơi khác có thể học tập và áp dụng.
Bà Quách Thu Nguyệt, Phó Giám đốc Đường sách TPHCM, cho rằng, sự thành công của đường sách là nhờ khai thác những yếu tố đặc thù của văn hóa bản địa của đất và người vùng đất Nam bộ nói chung và TPHCM nói riêng. Bà Nguyệt lý giải: “Trong 3 năm qua, đường sách có được thành công là do biết khai thác yếu tố văn hóa “buôn có bạn bán có phường” của một thành phố thương nghiệp. 20 đơn vị là các NXB, các công ty sách kinh doanh các gian hàng tại đường sách không đơn thuần là một thương nghiệp bình thường mà đó là một chuỗi liên kết những đồng nghiệp để cùng nhau tạo thành một liên minh thương nghiệp, một văn hóa thương nghiệp với sự hợp tác, liên kết, với sự cộng hưởng để tạo nên đặc thù riêng văn hóa thương nghiệp tại đường sách”.
Theo ông Chu Văn Hòa, bản chất của văn hóa đọc về hình thức là tiếp cận với cuốn sách, sống với tri thức. Đó chính là hoạt động đọc không ngưng nghỉ, truyền tay giữa các thế hệ, giữa người này với người khác. Để thói quen đọc sách có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa thì phải có sự tôn vinh hàng năm, tổng kết và trao tặng danh hiệu theo các hình thức khác nhau đối với cá nhân và tập thể có những sáng tạo mang lại hiệu quả cao cho văn hóa đọc. “Từ đó mới tạo ra tâm lý trọng chữ nghĩa, trọng những người đọc sách, trọng những người cống hiến cho xã hội, xây dựng đất nước tốt đẹp hơn”, ông Hòa cho biết.
Ông Lê Hoàng nói về một thực tế “chưa hình thành thói quen đọc sách”. Việc hình thành thói quen đọc sách phải bắt đầu từ lúc nhỏ trong gia đình và trong nhà trường. Khi tuổi thơ chưa có thói quen đọc sách thì lên cấp 2, cấp 3 rồi trưởng thành sẽ không có thói quen đọc sách. Có 4 giải pháp cần lưu ý: Đọc sách trong nhà trường; lập danh mục sách khuyến đọc cho từng cấp học; đầu tư cho thư viện trường học và kết hợp với các dự án tặng sách cho học sinh vùng còn khó khăn.
Nhấn mạnh đến việc học tập, nhân rộng mô hình thư viện thân thiện được triển khai bởi Room to Read - một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập năm 2000 với mục đích hỗ trợ phát triển giáo dục các quốc gia đang phát triển, ông Hoàng kiến nghị: “Sở GD-ĐT TPHCM cần rà soát lại hệ thống các thư viện 24 quận - huyện, chú ý và đầu tư cho các thư viện các trường thuộc huyện ngoại thành, các khu dân cư mới”.