Tai nạn rình rập
Trưa 10-6, sảnh Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM, hàng dài thân nhân bệnh nhi hết đứng lại ngồi, gương mặt lo lắng. Phía bên trong, các giường hồi sức cấp cứu không còn chỗ trống. BS-CKI Đinh Tấn Phương, Trưởng Khoa Cấp cứu bệnh viện, cho biết, chỉ trong buổi sáng cùng ngày, khoa đã tiếp nhận gần 30 lượt bệnh nhi được bệnh viện tuyến dưới chuyển lên, trong đó, 20 bệnh nhi cần nằm lại khoa để xử trí ngay, và 10 bệnh nhi bắt buộc nhập viện.
Như trường hợp bé Ng.A.K. (8 tuổi, ngụ quận 11) được Bệnh viện Quận 11 chuyển cấp cứu trong tình trạng nôn ói nhiều, đầu sưng phù, thở mệt, lả người. Hồ sơ bệnh án thể hiện bé bị té ngã, đầu đập vào thành ghế trong nhà. Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ chụp CT-Scan sọ não phát hiện bé K. bị xuất huyết não ngoài màng cứng vùng thái dương đỉnh chẩm phải. Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định mổ khẩn, lấy máu tụ để cứu bé.
Không may mắn như bé K., bệnh nhi H.H.A. (3 tuổi, ngụ quận 10) bị đuối nước khi gia đình đưa đi khu du lịch ở tỉnh Đồng Nai. Theo đó, chiều 9-6, bé A. cùng các anh chị xuống hồ bơi, có mẹ bé ở trên bờ giám sát. Chỉ một lát sau, chị không thấy con đâu. Nghĩ con chạy qua hồ bơi khác chơi nên chị chạy xung quanh tìm bé. 10 phút sau quay lại hồ bơi cũ thì thấy bé nổi trên mặt nước. Được nhân viên trong khu du lịch vớt lên, xóc nước, hà hơi thổi ngạt, ấn tim, nhưng lúc này toàn thân bé đã tím tái. Lúc đưa bé A. tới cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bé đã ngưng tim, ngưng thở.
Chủ động hơn trong phòng ngừa
Theo các bác sĩ, trẻ bị tai nạn thương tích chủ yếu vẫn do sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ, hoặc thiếu người trông coi. Mùa hè, khi trẻ không phải đến trường, nguy cơ này càng gia tăng. Đáng nói, ngoài việc có thể cướp đi tính mạng, trẻ còn bị thương tật suốt đời, mất đi khả năng học tập, lao động và để lại những tổn thương tâm lý nặng nề.
Trong số các tai nạn thương tích, đuối nước là một trong những tai nạn gây tử vong nhiều nhất ở nước ta, sau tai nạn giao thông. Mặc dù hồi chuông cảnh báo liên tục gióng lên, song những ngày vừa qua, nhiều vụ tử vong do đuối nước ở trẻ em liên tiếp xảy ra trên địa bàn cả nước.
BS-CKI Đinh Tấn Phương, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM khuyến cáo, đuối nước thường xảy ra rất nhanh, nếu phát hiện muộn rất khó cứu hoặc cứu được cũng để lại di chứng ở não, hệ thần kinh, hoặc sống đời thực vật. Không chỉ ở nơi có sông, suối, ao, hồ, mà ngay cả những dụng cụ chứa nước trong gia đình như giếng, bể chứa nước, bồn tắm… cũng là mối hiểm họa. Người lớn cần thận trọng khi cho trẻ nhỏ ở xung quanh khu vực có chứa nước; giám sát trẻ chặt chẽ bất cứ khi nào trẻ chơi ở các khu vực có nước. Trong nhà nên đóng cửa phòng tắm khi không sử dụng; nên cho trẻ học bơi để phòng tránh đuối nước.
BS-CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, lưu ý, bên cạnh phòng chống đuối nước cho trẻ em, người dân cần phải đặc biệt quan tâm tới nhóm trẻ từ 1-7 tuổi. Đây là lứa tuổi có thể bị các tai nạn thương tích tại nhà như: dị vật đường thở, bỏng, ngạt nước… Do đó, cách phòng ngừa chung nhất là luôn giữ trẻ, để ý trẻ cẩn thận.
Để xa tầm tay trẻ những vật nhỏ, sắc nhọn, nguy hiểm mà trẻ có thể lấy chơi, nuốt phải. Trong gia đình, nên bố trí các ổ điện cao quá tầm với của trẻ, hoặc bịt kín khi không sử dụng; bo tròn các cạnh bàn nhọn; khu vực nhà bếp cần có rào chắn đề phòng trẻ bị bỏng nước sôi hoặc những tai nạn có nguyên nhân từ lửa. Không cho trẻ chơi các đồng xu nhựa, kim loại và các vật dụng quá nhỏ để tránh tình trạng trẻ cho vào miệng, mũi.