Bà VÕ THỊ XUÂN HÀ, phường 4, quận Phú Nhuận, TPHCM: Chú ý cây xanh trong khu dân cư
Ai cũng biết cây xanh là “lá phổi” của Trái đất, thậm chí chính quyền còn vận động người dân trồng cây xanh. Do vậy, cứ có khoảng trống nào ở khu dân cư là người dân tích cực trồng cây. Các cây xanh ở nhà dân hay trong hẻm là cây trồng trong chậu, không đáng ngại. Nhưng có nhiều khu vực đất trống, tiểu cảnh ở chung cư hay khu dân cư cũng được người dân trồng cây xanh để tạo bóng mát. Nhiều nơi có cây xanh rất cao, tán rất rộng. Qua sự cố đau lòng ở công viên Tao Đàn, chúng tôi đề nghị chính quyền địa phương gấp rút triển khai công tác kiểm tra cây xanh trong địa bàn của mình. Đặc biệt, cần chú trọng cây xanh được trồng ở tiểu cảnh, đất trống ở khu dân cư, chung cư.
Ông VÕ VĂN QUYẾT, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, TPHCM: Đảm bảo an toàn khi người dân vào công viên
Không riêng công viên Tao Đàn, các công viên lớn như 23-9, Võ Thị Sáu, Lê Thị Riêng, Gia Định… từ lâu đã trở thành địa chỉ quen thuộc, là điểm đến của người dân thành phố. Khi vụ tai nạn do cành cây gãy rơi xuống làm 5 người thương vong, công viên không còn là điểm an toàn nữa. Những hàng cây cổ thụ cao vút, tán rộng, rợp bóng mát vốn thân thuộc đã trở thành nỗi ám ảnh đối với mọi người.
Có thể, trong thời gian qua, đơn vị quản lý chỉ quan tâm đến cây xanh trên đường phố, trường học - nơi thường xảy ra sự cố gãy đổ cây khi mùa mưa đến - mà xem nhẹ cây xanh trong công viên. Để người dân không phải lo âu khi bước chân vào công viên, đơn vị chủ quản phải tăng cường trách nhiệm, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Bà ĐÀO THỊ HUYỀN, chủ cửa hàng thể thao trên đường Huyền Trân Công Chúa, phường Bến Thành, quận 1, TPHCM: Tăng cường thăm khám, kiểm tra
Hàng ngày, tôi hay tập thể dục dưới gốc cây cổ thụ trên đường Huyền Trân Công Chúa, quận 1. Công viên là nơi để người dân tập luyện thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe. Cây xanh là một phần của cuộc sống. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng cho người dân thì cần phải thường xuyên tỉa cành, kiểm tra gốc, rễ cây, nhất là mùa mưa bão, để người dân thật sự yên tâm, phòng tránh hiểm họa lơ lửng trên đầu.
Ông TRỊNH PHI LONG, phường 26, quận Bình Thạnh, TPHCM: Tuần tra, kiểm tra thường xuyên
Nhánh cây gãy đổ ở công viên Tao Đàn gây thương tích cho những người tập thể dục buổi sáng là sự việc rất đau lòng. Để giảm thiểu tai nạn thương tâm như vậy, chúng tôi mong mỏi đơn vị quản lý cây xanh trên địa bàn thành phố tăng cường công tác tuần tra để kịp thời phát hiện cành, nhánh cây hư hỏng. Việc tỉa cành, cưa nhánh cần thực hiện thường xuyên không những tại khu vực lề đường mà còn cần được hết sức chú trọng ở những nơi tập trung đông người như công viên, khu vui chơi… Ngoài ra, trong điều kiện thời tiết cực đoan, mưa to, dông gió lớn như hiện nay, mọi người cần hạn chế sinh hoạt, vui chơi ở những nơi có cây xanh tàng lớn!
Ông NGUYỄN VĂN KHÔI, phường 10, quận Gò Vấp, TPHCM: Hạn chế ra đường lúc mưa gió
Vụ tai nạn thương tâm tại công viên Tao Đàn không thể đổ lỗi do thời tiết hay rủi ro cá nhân. Nguyên nhân chính là do chủ quan của con người. Bởi thời điểm tai nạn xảy ra không có thời tiết bất thường, mưa lớn hay xoáy lốc. Nếu đơn vị quản lý làm tốt công tác kiểm tra, xử lý các cây, cành bị hư, yếu thì tai nạn gãy cành cây làm chết người đã không xảy ra.
Cây xanh gắn liền với người dân từ đường phố đến khuôn viên trường học, công sở, công viên… Cứ đến mùa mưa, người dân thành phố lại chứng kiến cảnh cây xanh gãy, đổ gây thương tích cho người đi đường, làm xe cộ, nhà cửa hư hỏng. Một khi đơn vị quản lý vẫn còn đổ lỗi nguyên nhân cây xanh gãy, đổ là do thời tiết, rủi ro cá nhân thì những tai nạn gây chết người vẫn còn tiếp diễn.