Phòng tránh hệ lụy do game online

Từ vụ một bé trai 5 tuổi ở huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) tử vong do hung thủ là một học sinh lớp 11 nghiện game online gây ra, nhiều nhà giáo và nhà tâm lý đã gửi mail đến Báo SGGP nêu ý kiến phân tích game online có thể gây nghiện, làm sai lệch nhận thức, hành vi và lệch lạc về nhân cách. Bạn đọc cũng góp ý kiến về cách phòng tránh những hệ lụy do game online.
Trẻ em dành nhiều thời gian đến quán game online. Ảnh: BÙI ANH TUẤN
Trẻ em dành nhiều thời gian đến quán game online. Ảnh: BÙI ANH TUẤN

Nguy cơ lệch lạc về nhân cách

Chơi game online là một hình thức giải trí, nếu khai thác và sử dụng phù hợp sẽ mang lại sự sảng khoái cho tinh thần, kích thích trí tưởng tượng phong phú và tư duy sáng tạo. Tuy nhiên, game online có thể gây nghiện, để lại ở trẻ những vết thương về tinh thần, tâm lý và đặc biệt là lệch lạc nhân cách. Những tác hại tiêu cực từ việc nghiện game online đã làm hạn chế các giá trị đạo đức, văn hóa, nhân văn của một bộ phận thanh thiếu niên. 

Rất nhiều trường hợp trẻ nghiện game online bị đắm chìm trong thế giới ảo, không còn phân biệt đâu là thực, đâu là ảo. Do sự lôi cuốn mạnh mẽ đến mức ma mị khi nghiện game online nên mọi chế độ sinh hoạt của các em bị đảo lộn, quên ăn, quên ngủ, quên cả chuyện học, đầu óc luôn ám ảnh những nhân vật trong game. Khi đã nghiện game online thì trẻ rất khó kiềm chế, từ bỏ. Cùng với ảo giác bởi game online, điều rất nguy hại chính là sức khỏe giảm sút rõ rệt. Đặc biệt, khi bị ảo giác thì trẻ có thể gây ra hậu quả trên thực tế là những hành vi lệch lạc. Đa phần các game online thịnh hành trên thị trường là game bạo lực. Do vậy, khi trẻ nghiện game thì xu hướng bạo lực lại càng dễ nhiễm và sẵn sàng thể hiện trong cuộc sống. Cũng có trường hợp rơi vào trạng thái trầm cảm nặng vì game với những triệu chứng như rối loạn vận động.

Nghiện game làm cho trẻ mất niềm tin vào thầy cô giáo, mất niềm tin vào gia đình cũng như các giá trị mà lẽ ra trẻ được trang bị một cách đầy đủ. Cần có sự kiểm soát, định hướng kịp thời của người lớn để trẻ không quá lạm dụng game online, dẫn đến hậu quả nguy hiểm cho bản thân và xã hội. 

LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN, giảng viên Đại học Nguyễn Huệ

Sự giáo dục, cảnh báo của gia đình và nhà trường

Các nghiên cứu về mối quan hệ giữa game online và hành vi bạo lực cho thấy khi trẻ chơi các loại game bạo lực thì có xu hướng hay quậy phá và sẵn sàng động thủ khi có mâu thuẫn nảy sinh. Nhiều trẻ vì nghiện game mà trở nên không quan tâm đến người khác, cả người thân trong gia đình, nhiều khi còn thể hiện thái độ hung hãn, cáu gắt với cha mẹ. 

Nhận diện, phòng ngừa nghiện game online của học sinh là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, ở gia đình cha mẹ phải thường xuyên kiểm soát thời gian rỗi của trẻ, hạn chế tối đa cho trẻ chơi game, hoặc quy định thời gian nhất định sau khi hoàn thành một công việc nào đó. Chú ý việc trẻ sử dụng tiền bạc và thời gian tại các phòng game. Ở nhà trường, giáo viên phải thường xuyên giáo dục cho trẻ, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng sử dụng intenet hiệu quả, nhất là phòng ngừa nghiện game online; giáo viên cần nhận diện đúng các biểu hiện nguy cơ nghiện game online của học sinh cả về nhận thức, thái độ và hành vi. Địa phương nên quan tâm tổ chức các sân chơi để thu hút thanh thiếu niên tham gia, nhất là các hoạt động thể dục thể thao, hoạt động từ thiện…

       TS NGUYỄN VĂN CÔNG, Quản lý việc cung cấp và sử dụng dịch vụ game online

Hiện nay việc quản lý game online vẫn còn rất lỏng lẻo. Rất ít nhà phát hành thực hiện việc lưu thông tin cá nhân của người chơi. Phần lớn các game online còn cho phép người chơi dùng tài khoản của Google và Facebook để chơi game, điều này có nghĩa là nhà phát hành hoàn toàn thả lỏng quy định yêu cầu người chơi phải cung cấp thông tin cá nhân khi chơi game. Các quy định về độ tuổi chơi game hay hạn chế thời gian chơi game chỉ được làm cho có. Nhà phát hành chỉ đặt dòng thông báo “Game dành cho người trên 18 tuổi và để đảm bảo sức khỏe thì người chơi không được chơi quá 180 phút” (như trong quy định), nhưng thực tế người chơi mọi lứa tuổi đều có thể đăng ký và chơi bao lâu tùy thích mà không gặp sự ngăn cản nào. Theo Nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định, quán game không được phép hoạt động từ 22 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau, nhưng thực tế cho thấy nhiều nơi vẫn hoạt động thâu đêm, khiến gia tăng nạn nghiện game ở người trẻ. Mức xử phạt vi phạm về hoạt động quá khung giờ cho phép còn thấp, chỉ vài triệu đồng, lại không có chế tài rút giấy phép khi tái phạm nhiều lần nên không đủ răn đe. 

Thực trạng trẻ nghiện game ngày càng tăng còn do nhiều phụ huynh ít quan tâm con cái, thiếu kiến thức cũng như không lường hết hậu quả của loại hình giải trí này. Phụ huynh quá dễ dàng trong việc đáp ứng những đòi hỏi của con cái từ tiền bạc, điện thoại, máy tính bảng, máy chơi game… từ độ tuổi khá sớm nhưng hoàn toàn không biết mỗi ngày con mình đang xem, nghe, đọc hoặc chơi trò gì, tương tác với ai. 

Cơ quan quản lý cần có biện pháp mạnh để buộc nhà phát hành tuân thủ các quy định về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ game online. Cần có chế tài, xử lý thích đáng vi phạm và có biện pháp hữu hiệu để kiểm soát chặt game lậu vào thị trường Việt Nam. Để tránh việc trẻ tiếp xúc sớm với game bạo lực, phụ huynh cần giới hạn thời gian trên các thiết bị hay cài phần mềm bảo mật để giám sát trẻ. Nên cho trẻ tham gia các hoạt động cộng đồng, vui chơi theo lứa tuổi để tránh phụ thuộc vào thiết bị công nghệ. 

BÙI THANH (quận 7, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục