Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, qua thống kê cho thấy, trong khoảng một tuần qua đã tiếp nhận hơn 100 bệnh nhi mắc cúm với các mức độ khác nhau.
TS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp với biểu hiện trẻ sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh hiện nay ở nước ta chủ yếu do các chủng virus cúm A và cúm B. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho, khạc.
Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày; nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch… bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm phổi, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.
Khi trẻ mắc cúm, để phòng lây nhiễm, các cha mẹ cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với trẻ lành, hướng dẫn che miệng và mũi khi ho và hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy. Tắm cho trẻ bằng nước ấm trong phòng kín gió để tránh nhiễm lạnh. Người lớn chăm sóc trẻ cũng nên đeo khẩu trang để tránh bị lây cúm. Cùng với đó, việc tiêm đầy đủ vaccine cúm là biện pháp hiệu quả để phòng cúm trong mùa cao điểm hiện nay.
Không chỉ có bệnh cúm mùa vào mùa cao điểm mà không khí lạnh với các đợt rét đậm kéo dài đã ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của người dân, nhất là người già và trẻ nhỏ. Tại Bệnh viện Phổi trung ương, số bệnh nhân nhập viện những ngày vừa qua đã tăng gấp rưỡi so với tháng trước đó, khoảng 300 bệnh nhân/ngày.
Bác sĩ Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương, cho hay thời tiết chuyển lạnh cùng với với ô nhiễm không khí khiến phổi, đường hô hấp chính, là cơ quan bị tác động trực tiếp, dễ cảm nhiễm và hay bị bệnh nhất với các bệnh phổ biến như: viêm phế quản cấp, viêm phổi, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Đặc biệt, những người có sức đề kháng kém, tuổi cao, hoặc có bệnh mạn tính rất dễ xuất hiện các cơn cấp tính trong điều kiện thời tiết giá lạnh như hiện nay.
Theo một số chuyên gia y tế, bệnh lý hô hấp rất hay gặp trong thời điểm thời tiết thay đổi bất thường vì các loại virus, vi khuẩn gây bệnh luôn có sẵn trong cộng đồng và khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ xâm nhập vào cơ thể gây bệnh. Với những người mắc bệnh hô hấp mạn tính, khi trời lạnh dễ gặp các đợt cấp của bệnh, người bệnh cần tuân thủ điều trị theo các giai đoạn bệnh và tái khám định kỳ để có hướng dẫn điều trị cụ thể, không tự ý sử dụng đơn thuốc cũ đã được bác sĩ kê và không tự ý mua kháng sinh về điều trị.