Bệnh sốt rét là một bệnh lây nhiễm, do ký sinh trùng sốt rét gây nên và muỗi Anophen là thủ phạm truyền bệnh từ người bệnh sang người lành. Bệnh nặng (sốt rét ác tính) nếu không được cứu chữa kịp thời có thể sẽ dẫn tới tử vong.
Theo WHO, mỗi năm có khoảng từ 300 - 500 triệu người trên toàn thế giới bị mắc bệnh sốt rét và có khoảng 1 triệu người tử vong vì sốt rét. Đặc biệt, trẻ em dưới 5 tuổi chiếm tới 70% số ca sốt rét trên toàn cầu. Cứ mỗi 2 phút lại có một trẻ em tử vong vì căn bệnh này.
Theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, số bệnh nhân mắc sốt rét ở Việt Nam vẫn ở mức cao, hằng năm ghi nhận trung bình khoảng 30.000 trường hợp mắc sốt rét, trên 100 trường hợp sốt rét ác tính và gần 10 trường hợp tử vong do sốt rét.
Trên thực tế, tỷ lệ mắc sốt rét trên 1.000 dân năm 2017 so với năm 2013 giảm hơn 77%, số bệnh nhân sốt rét giảm hơn 76%, số ký sinh trùng sốt rét giảm 72,6%.
Tuy nhiên, hiện nay, tình hình bệnh sốt rét lại đang có nguy cơ quay lại tại một số tỉnh, thành phố như: Bình Phước, Gia Lai, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Lăk, Đắk Nông, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị… do có nhiều người mang ký sinh trùng sốt rét.
Tại tỉnh Gia Lai, tính từ đầu năm 2018, tỉnh này ghi nhận 260 ca mắc sốt rét. So với cùng kỳ năm 2017, số ca mắc bệnh tăng gấp đôi.
Theo ông Nguyễn Văn Thể - cán bộ chuyên trách sốt rét thuộc Trung tâm Y tế huyện Krông Pa chia sẻ trên VTV: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Krông Pa ghi nhận 73 ca mắc sốt rét. Trong khi đó, tại huyện Đức Cơ đã ghi nhận 35 ca.
Những năm qua, công tác phòng - chống bệnh sốt rét đạt một số kết quả rất tích cực. Tuy nhiên, Gia Lai vẫn là địa phương có tỷ lệ mắc sốt rét cao trong khu vực Tây Nguyên. Các địa phương trọng điểm về sốt rét trên địa bàn tỉnh là các huyện: Krông Pa, La Grai, Chư Prông, Đức Cơ…
Ở các vùng có bệnh sốt rét lưu hành, người dân cần chú ý thực hiện một số biện pháp nhằm ngăn cản sự tiếp xúc giữa muỗi.
Hãy cố gắng tránh xa những khu vực ẩm thấp vì nó thể là nơi sinh sôi của muỗi. Bạn cũng không nên đi ra ngoài thường xuyên vào buổi tối. Nên tránh mặc quần áo tối màu vì những màu này có thể thu hút muỗi.
Những người đi làm ở vùng rừng núi cần mang theo màn để ngủ, trước khi đi nên đến cơ sở y tế để được cấp thuốc uống phòng và khi trở về từ vùng rừng núi nên đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, nếu có bị sốt rét sẽ được điều trị kịp thời.
Ngoài ra, người dân cũng có thể làm cửa lưới, mành rèm chống muỗi ở các cửa sổ để giảm tối đa sự xâm nhập của muỗi vào nhà. Điều quan trọng nhất, hữu hiệu nhất để phòng chống sốt rét hiện nay là người dân phải ngủ màn, màn phải được tẩm hóa chất và phun hóa chất diệt muỗi…
Bôi kem chống muỗi chứa tinh dầu xả có thể giúp bạn không bị muỗi cắn. Bạn cũng có thể nhỏ một vài giọt tinh dầu sả vào nước lau nhà để đuổi muỗi hiệu quả.
Khi thấy các triệu chứng của bệnh sốt rét như rét run, sốt nóng sau đó vã mồ hôi hoặc cảm thấy ớn lạnh, gai rét, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bệnh sốt rét gây thiếu máu, gan to, lách to, trẻ em bị bệnh cơ thể còi cọc, chậm lớn, kém thông minh. Phụ nữ có thai mắc sốt rét dễ sảy thai, đẻ non hoặc khi sinh dễ mắc phải những tai biến.
Dịch bệnh sốt rét vẫn diễn biến phức tạp và khó dự báo tại một số địa phương trên do có sự di dân rất lớn, nhận thức của người dân về phòng, chống sốt rét còn hạn chế. Đặc biệt, sốt rét kháng thuốc có nguy cơ lan rộng, thậm chí cả quần thể muỗi cũng đã kháng lại hóa chất.
Bộ Y tế khuyến cáo, hiện nay chưa có vắc-xin phòng ngừa sốt rét, do đó, việc phòng, chống muỗi truyền bệnh vẫn được xem là biện pháp hữu hiệu nhất.