
Hỏi: Mới đây tôi đọc ở SGGP online (www.sggp.org.vn/phongsudieutra/2007/1/83573/), thấy mở đầu bài “Giáo sư - Tiến sĩ ĐTL - cậu tôi”, tác giả NMT viết: “Phong thái lịch lãm, uyên bác của nhà khoa học lớn, hay sự phong tiên đạo cốt thường có ở các thầy thuốc đông y bậc trưởng thượng...”. Xin cho biết “phong tiên đạo cốt” nghĩa là gì? NGUYỄN VĂN HIỂN (Cư xá Đô Thành, quận 3, TPHCM)
NGHÊ DŨ LAN: Viết “phong tiên đạo cốt” không đúng, lẽ ra nên viết tiên phong đạo cốt .

Dáng dấp tiên phong đạo cốt của Lý Bạch (701 - 762) qua nét vẽ của danh họa Lương Khải (thế kỷ 13).
Phong: Dùng kết hợp (như phong cách, phong tư, phong thái) để nói về dáng dấp tao nhã, cao quý của một người, tức là những nét hay, đẹp của người ấy biểu lộ qua dáng đi, cử chỉ.
Cốt: Bộ xương; dùng theo nghĩa bóng là dáng dấp con người, thường nói là cốt cách, đồng nghĩa với phong cách, phong tư, phong thái.
Tiên: Ông tiên (immortal).
Đạo: Ông đạo, đạo sĩ, người tu tiên (taoist).
Tiên phong đạo cốt: Phong thái của ông tiên, cốt cách của người đạo. Ý nói dáng vẻ bên ngoài thanh cao, thoát tục, khiến cho người khác trông thấy phải đem lòng kính nể, quý trọng.
Mathews’ Chinese - English dictionary (1931, mục từ 2707 - 17) cũng giảng “tiên phong đạo cốt” là: A person having immortal characteristics, sai of Li Po the poet. (Một người có đặc điểm, đặc tính của ông tiên, dùng tả (dáng vẻ) nhà thơ Lý Bạch).