Những hiểu biết về Omicron
- Omicron là gì? WHO chỉ định biến thể B.1.1.529 là “biến thể cần quan tâm” và đặt tên nó là Omicron theo chữ cái thứ 15 trong bảng chữ cái Hy Lạp. Đây là cách phân loại biến thể của virus SARS-CoV-2 để đơn giản hóa sự hiểu biết và tránh kỳ thị các quốc gia nơi biến thể được xác định lần đầu tiên.
- Các triệu chứng như thế nào? WHO cho biết không có bằng chứng nào cho thấy các triệu chứng liên quan đến Omicron khác với các triệu chứng do các biến thể khác gây ra. Các triệu chứng của Covid-19 bao gồm sốt hoặc ớn lạnh, ho, khó thở, mệt mỏi, đau nhức cơ hoặc cơ thể, đau đầu, đau họng, mất vị giác hoặc khứu giác, đau, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi. Giống như tất cả các biến thể khác của virus SARS-CoV-2, Omicron có thể có khả năng gây bệnh nặng hoặc tử vong, đặc biệt là ở những người dễ bị tổn thương như người cao tuổi hoặc có bệnh nền.
- Omicron đã được phát hiện ở đâu? Các nhà khoa học Nam Phi cho biết Omicron có thể xuất hiện sau sự gia tăng đột biến gần đây về ca mắc Covid-19 ở Gauteng, tỉnh đông dân nhất của nước này.
- Có nên lo lắng về Omicron? Giới chuyên gia y tế tin rằng Omicron có khả năng đã lây lan mà không bị phát hiện. Theo WHO, không rõ liệu Omicron có gây ra bệnh nặng hơn so với các biến thể khác hay không. Tuy nhiên, dữ liệu sơ bộ cho thấy tỷ lệ nhập viện ngày càng tăng ở Nam Phi. Cũng chưa rõ liệu Omicron có thể né tránh khả năng miễn dịch với người đã mắc Covid-19 hoặc đã tiêm vaccine hay không.
- Điều gì làm cho Omicron khác với các biến thể khác? Omicron có khoảng 30 đột biến trên protein của nó, trong đó có 26 đột biến riêng không xuất hiện trong các biến thể khác. Để so sánh, biến thể Alpha chỉ có 4 đột biến, Beta có 6, Gamma có 8 và Delta có 7.
- Omicron có thể lây lan nhanh như thế nào? Các nhà khoa học cho biết cần nhiều dữ liệu hơn để xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh nhân mắc Omicron, nhưng bằng chứng thực tế cho thấy Omicron có thể lây truyền cao. Theo WHO, bằng chứng sơ bộ cho thấy con người có thể tăng nguy cơ tái nhiễm Omicron so với các biến thể khác, nhưng vẫn cần thêm thông tin.
- Vaccine chủng ngừa Covid-19 có bảo vệ chống lại Omicron không? Theo Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, các loại vaccine hiện có có khả năng bảo vệ chống lại những trường hợp nghiêm trọng của Covid-19. Ông cũng tin rằng các mũi tiêm nhắc lại cùng với tiêm chủng đầy đủ sẽ mang lại hiệu quả bảo vệ mạnh mẽ hơn.
Cần bình tĩnh
Các cơ quan y tế Hà Lan ngày 30-11 thông báo họ đã tìm thấy biến thể Omicron trước khi Nam Phi công bố các trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể này. Viện Sức khỏe RIVM cho biết họ đã tìm thấy Omicron trong các mẫu thử từ ngày 19 đến 23-11. Những phát hiện này diễn ra trước khi có các ca nhiễm biến thể Omicron trong số những hành khách từ Nam Phi tới Amsterdam hôm 26-11.
Bỉ và Đức cũng cho biết, kết quả xét nghiệm tại 2 nước này cho thấy Omicron đã xuất hiện trước khi các quan chức y tế Nam Phi cảnh báo thế giới về sự tồn tại Omicron vào ngày 24-11. Trước đó, các nhà khoa học Nam Phi đã được khen ngợi vì lần đầu tiên phát hiện ra biến thể mới và cảnh báo các cơ quan y tế toàn cầu. Omicron hiện đã lan rộng trên 20 quốc gia và ngày càng nhiều ý kiến lo lắng.
Cho đến lúc này, hầu hết các nhà khoa học, trong đó có cả những người đã tham gia phát triển vaccine đều lên tiếng về việc thiếu thông tin rõ ràng về biến thể Omicron và kêu gọi mọi người bình tĩnh đợi đến khi có kết quả nghiên cứu cụ thể từ thực tế về biến thể mới, dự kiến mất 2 tuần nữa. Các nhà sản xuất vaccine hiện đang tập trung vào kỹ thuật phổ biến được áp dụng suốt thời kỳ đại dịch: lấy máu từ những người tình nguyện được tiêm chủng và những người vừa khỏi bệnh sau khi mắc Covid-19 rồi trộn với mẫu của biến thể Omicron - hoặc phiên bản được thiết kế trong phòng thí nghiệm được gọi là pseudovirus - để xem các tế bào miễn dịch và protein hoạt động như thế nào chống lại biến thể mới. Các công ty dược phẩm lớn như Pfizer/BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson… đang bắt đầu những thử nghiệm này nhằm tìm ra loại vaccine hữu hiệu chống Omicron.
Các kỹ thuật như vậy kết hợp với bằng chứng thực tế tạo thành cơ sở cho việc ra quyết định về việc cấp phép, phê duyệt và hướng dẫn sử dụng vaccine. Và từ đây, cũng sẽ có bằng chứng để thông báo cho thế giới về những rủi ro của Omicron. Trưởng nhóm Kỹ thuật về Covid-19 của WHO, bà Maria Van Kerkhove, cho biết, phải tăng “nguồn dự trữ” các biến thể Omicron để thực hiện quy trình trên. Và điều này cần phải có thêm thời gian.
Ít nhất 70 quốc gia trong số đó có Mỹ, đã áp đặt các hạn chế đi lại mới từ một số quốc gia châu Phi sau khi Nam Phi lần đầu tiên công bố phát hiện biến thể Omicron. WHO cho rằng các lệnh cấm đi lại đại trà sẽ không ngăn được biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 lây lan, đồng thời kêu gọi các nước bình tĩnh và áp dụng các biện pháp hợp lý để chống lại biến thể này. WHO lo ngại việc phong tỏa đi lại có thể không công bằng, cản trở nỗ lực giám sát tình hình y tế toàn cầu, tạo ra gánh nặng đối với cuộc sống và sinh kế của người dân. |