Mới đây, Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế đã có công văn gửi Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, đề nghị tuyên truyền để Phật tử thay đổi nhận thức về phóng sinh, tuyệt đối không mua cá thể chim trời để phóng sinh vì đây là hành động tiếp tay cho nạn săn bắt động vật hoang dã. Về vấn đề này, Thượng tọa Thích Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì Tổ đình Vĩnh Nghiêm, cho rằng: Phóng sinh là một điều tốt theo tinh thần từ bi của Phật giáo, khuyến khích nên làm, nhưng chúng ta phải làm như thế nào cho đúng với chính pháp.
Chúng ta không thể hiểu phóng sinh như việc đi mua, hay đặt hàng những người khác săn bắt về phóng sinh để có phước. Tinh thần của Phật giáo, phóng sinh là phải có lòng từ bi, thương xót tất cả mọi người và mọi loài. Phóng sinh là khởi lòng từ bi, thấy con vật đang bị nguy cấp, sắp chết, chúng ta bỏ ra tài trí phóng sinh cho nó. Đó là từ bi, thương xót, từ nội tâm mỗi chúng ta, bằng những cử chỉ, hành động và những việc làm không gây tổn thương đến người khác, vật khác. Một lời nói châm chọc, ích kỷ, làm cho ai đó bị tổn thương, suy sụp… cũng là sát sinh.
Những việc làm của mỗi chúng ta có tốt, có lợi cho người khác và cộng đồng xã hội thì được gọi là phóng sinh. Chẳng hạn như có người tâm xấu, đi rải đinh ngoài đường để người tham gia giao thông bị tai nạn, đó là những người sát sinh. Còn những người phóng sinh là những người đi thu gom lại những vật nguy hiểm trên đường, để những người tham gia giao thông được an toàn, không bị tai nạn.
Cũng theo Thượng tọa Thích Thanh Phong, hiếu thuận với cha mẹ, để cha mẹ vui vẻ, sống khỏe là phóng sinh. Mình xúc phạm hay làm tổn thương đến người này, người khác bằng lời nói, việc làm, hành động từ ý nghĩ mà không đúng, đó là sát sinh. Phóng sinh của đạo Phật bao hàm rất rộng, không thể hiểu hành động bằng cách dùng đồng tiền ra đặt hàng người khác đi bắt con vật về phóng sinh. Những con vật đang được tự do, tại sao chúng ta bắt nó lại để phóng sinh cầu phước?
Phóng sinh mà bảo vệ được môi trường, bảo đảm nguồn lợi cho cộng đồng, xã hội mới là đúng. Ví dụ như, chúng ta không bắt giết loài cá đang mùa sinh sản, mà bảo vệ nó làm nguồn lợi thủy sản cho xã hội. Hay không bắt đàn chim để những con chim con không bị chết, đó cũng là bảo vệ nguồn lợi môi trường, bởi vì con chim bắt con sâu để tránh phá hoại mùa màng… Tất cả cuộc sống này là nhân duyên, nó hỗ tương nhau. Đã học và hiểu Phật pháp thì hành động phóng sinh phải trí tuệ, đúng với chính pháp. Lòng từ bi phải đặt đúng chỗ.
Phóng sinh mà Đức Phật dạy là hoàn toàn đúng. Hiện có nhiều nơi hiểu sai việc này, đặt hàng săn bắt rồi tổ chức phóng sinh rình rang, có khi chưa phóng sinh thì con vật đã chết rồi. Cái đó phước đâu chưa thấy, đã thấy tội. Trách nhiệm của những người thầy, người xuất gia phải hướng dẫn Phật tử phóng sinh làm sao cho đúng, không thể làm một cách mù quáng.