Qua từng vùng đất
Bên cạnh những thành phố lớn như Hà Nội hay TPHCM, giờ đây, các tác phẩm viết về ẩm thực đã có sự mở rộng ra các vùng đất khác nhau trên khắp mọi miền đất nước.
Ăn để nhớ (NXB Trẻ) của nhà báo Kim Em mang đến những món ăn đậm đà xứ Quảng. Ngoài những món ăn đã trở nên quen thuộc như cao lầu, cơm gà, bánh xèo, ram cuốn..., tác giả còn mang đến những món ăn bản địa gây tò mò với khách phương xa, như xu xoa “nồng nàn vị biển quê nhà”, là cục kẹo ú “gói trong lá chuối khô”…
Gần đây, cái tên Lê Lade (còn có bút danh khác là Lê Đắc Hoàng Hựu) xuất hiện đều đặn bằng các thể loại tản văn và truyện dài. Anh gây ấn tượng với bộ sách Sài Gòn - Chuyện tập tàng, gồm 3 tập, trong đó có những cuốn viết về ẩm thực như: Lược sử truyền miệng thức uống Sài Thành và Tập Nàng cơm. Tập tản văn Hệ nàng cơm nàng bún (NXB Tổng hợp) vừa ra mắt mới đây tiếp tục là một cuốn sách về ẩm thực, mà ở đó, anh đã cất công khảo sát về “thế giới bún” đang hiện diện trong đời sống của người phương Nam.
Cùng viết về ẩm thực của Sài Gòn - TPHCM còn có bộ đôi sách Món ngon và gia vị cảm xúc và Không gian gia vị Sài Gòn của Trần Tiến Dũng, hay bộ đôi sách Sài Gòn chở cơm đi ăn phở và Sài Gòn, Ồ bỗng ngon ghê của Ngữ Yên. Sách Bếp ấm nhà vui của Lê Duy Niệm mang đến nhiều món ăn đặc trưng của người dân Nam bộ, đặc biệt là miền Tây. Sách Món ngon quê nhà của Dương Hoàng Lộc lại giới thiệu đến 24 món ăn, nhiều trong số đó là những món ăn có xuất xứ từ Bến Tre, cùng với đó là những hồi ức và cảm xúc đẹp đã luôn song hành với tác giả.
Những cuốn sách Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa của Di Li, Ăn gì cho không độc hại và Tẩy độc bếp - Vì không thể sống mà không ăn gì của Pha Lê, Mùi của ký ức của Nguyễn Quang Thiều, Hà Nội quán xá phố phường của Uông Triều… không chỉ đơn thuần giới thiệu về đồ ăn thức uống vô cùng đa dạng và phong phú của ẩm thực Việt, mà còn cho độc giả thấy được văn hóa, tập tính, phong tục của mỗi con người, mỗi vùng đất khác nhau.
Nhà phê bình văn học - TS Nguyễn Thanh Tâm nhấn mạnh: “Khi người viết có những bận tâm, thôi thúc, muốn mô tả hay lưu giữ những sắc thái văn hóa, sinh hoạt liên quan đến ẩm thực thông qua các trải nghiệm cá nhân, họ có thể chuyển tải nó trong các tác phẩm văn chương nghệ thuật”.
Cần những người viết chuyên tâm
Theo nhà báo Trung Nghĩa, dòng văn chương ẩm thực hiện có một bộ phận độc giả không nhỏ quan tâm. Nhu cầu học nấu ăn, thú vui làm bếp, phong cách thưởng thức món ngon trong một nền ẩm thực Việt cực kỳ đa dạng, phong phú…
Từ sách dạy nấu ăn, sách của đầu bếp lành nghề cho đến dạng sách miêu tả và cảm nhận về món ăn ba miền; rồi những tập tản văn, truyện ngắn có mối liên quan giữa ẩm thực Việt, nơi chốn quê nhà và những hoài niệm xưa - nay đong đầy; thậm chí, gần đây có những tập sách tranh ẩm thực khá độc đáo từ những cây bút/họa sĩ trẻ cũng góp thêm làn gió tươi tắn, sống động hơn cho tác phẩm về ẩm thực/liên quan đến ẩm thực Việt.
“Tùy thời kỳ, giai đoạn lịch sử, tùy vùng miền địa phương, tùy giọng văn và cảm nhận riêng của mỗi cá nhân mà hình thành nên những bài viết, tác phẩm về ẩm thực khác nhau. Tôi nghĩ các nhà văn hôm nay càng yêu ẩm thực bao nhiêu thì càng có cơ may thể hiện nó lên tác phẩm thành công bấy nhiêu. Bạn đọc sẽ đồng cảm từ sự chân thật và tinh tế”, nhà báo Trung Nghĩa nhận xét.
TS Nguyễn Thanh Tâm cho rằng, nếu làm một khảo sát kỹ lưỡng thì kết luận có thể hình dung được là chúng ta có một dòng văn học đương đại viết về ẩm thực. Nếu nói về ẩm thực trong văn chương, độc giả sẽ nhớ ngay đến Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Băng Sơn, Tô Hoài… Họ viết về ẩm thực với một trải nghiệm văn hóa sâu, kỹ, tinh tế và đặc biệt là đầy nghệ thuật. Còn nay, những cái tên như Trần Vũ, Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Phấn, Nguyễn Trương Quý… đã ít nhiều định hình nên dòng văn chương ẩm thực bởi những gắn bó đậm đà qua việc yêu, sống và nâng niu các giá trị tượng hình trong ẩm thực.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Thanh Tâm cũng cho rằng, như một thứ lý do rất dễ “đổ lỗi” đó là thời đại của công nghệ, tốc độ, cả thèm chóng chán, sự đỏng đảnh của thị hiếu con người đương đại… đã làm những trang văn viết về ẩm thực đôi khi sơ sài, thoáng qua, có tính chất phụ trợ hay tô điểm cho các hạt nhân khác.
“Bởi vậy, để định hình một dòng văn chương viết về ẩm thực cần có những người viết chuyên tâm, sống chậm, sống sâu với văn hóa ẩm thực. Cùng với đó, tôi nghĩ rằng tài năng văn chương - một phương diện thuộc về năng lực biểu đạt, cũng cần được lưu ý”, TS Nguyễn Thanh Tâm bày tỏ.