Hậu quả của nạn XHTD trẻ em ngày càng nghiêm trọng, không ít bé gái sau khi bị XHTD vì xấu hổ đã tìm đến cái chết. Đáng lo ngại vậy, song trên thực tế, các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiện nay chưa thực sự hiệu quả, số vụ XHTD đang tăng cao từng năm.
Bị chính cha ruột cưỡng dâm
Ngày 6-6, dư luận khắp nơi bàng hoàng khi hay tin một bé gái 10 tuổi ở tổ 4, ấp Phước Ân, xã Phước Lý (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) bị chính cha ruột của em hiếp dâm. Với người dân địa phương, họ càng bức xúc và phẫn nộ hơn khi nghe bé gái trực tiếp kể có ngày bị cha “làm chuyện đó” đến 5 lần và nhiều lần nói chuyện này với bà nội nhưng không được can thiệp.
Khi không chịu nổi hành vi thú tính của người cha, bé gái đã cầu cứu một người hàng xóm, người này ghi âm, quay clip lời kể của em đưa lên mạng xã hội, đến lúc này chuyện tày đình mới được phát giác. Trước đó một tuần, tại quận 12, một “yêu râu xanh” đã lẻn vào nhiều trường tiểu học trên địa bàn, đối tượng này sau khi dụ dỗ, cho tiền đã có hành vi dâm ô với nhiều học sinh nữ.
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM, tại TPHCM trung bình xảy ra 40 - 50 vụ XHTD trẻ em/năm. 5 tháng đầu năm 2018, cơ quan này đã thụ lý giải quyết 10 vụ XHTD trẻ em. “Đây chỉ là con số do nạn nhân và người phát hiện tố cáo, trên thực tế, số vụ XHTD trẻ em cao hơn gấp nhiều lần”, một cán bộ điều tra thuộc Đội 7 Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an TPHCM cho hay.
Cũng theo vị cán bộ này, tội phạm XHTD trẻ em đang diễn biến rất phức tạp, giờ đây không chỉ xảy ra ở phòng trọ, nơi vắng người, nhà nghỉ, khách sạn, mà còn lan cả vào trong gia đình, nhà trường. Đối tượng phạm tội không chỉ là những người học vấn thấp, người lạ, mà còn có cả người có hiểu biết pháp luật (giáo viên, sinh viên, kỹ thuật viên).
Đáng chú ý hơn, trong số các đối tượng phạm tội XHTD, có nhiều trường hợp là người vị thành niên và người 70, 80 tuổi. Thống kê cho thấy, phần lớn đối tượng phạm tội XHTD trẻ em là người thân của nạn nhân (chiếm 60% - 70%, có giai đoạn chiếm 80%); trong số các hành vi của tội XHTD trẻ em (hiếp dâm, giao cấu, dâm ô), hành vi giao cấu với trẻ em là phổ biến nhất.
Phân tích nguyên nhân khiến tội phạm XHTD trẻ em tăng cao, lãnh đạo Đội 7 PC45 cho rằng do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố: ảnh hưởng phim ảnh đồi trụy, tác động của rượu bia, chất kích thích, sự tha hóa về đọa đức; mức xử lý hình sự còn thấp chưa đủ răn đe… Tuy nhiên, phần lớn nguyên nhân là do phụ huynh, gia đình thiếu sự quan tâm, buông lỏng quản lý, giáo dục, định hướng lối sống cho trẻ. Vị này dẫn chứng: “Có vụ việc con gái 13 tuổi quen và nhiều lần dẫn bạn trai về nhà mình quan hệ tình dục nhưng cha mẹ không hề hay biết. Khi thấy trong nhà có đôi dép lạ, phụ huynh kiểm tra mới phát hiện, tố giác. Đến lúc này thì sự việc đã đi quá xa”.
Chặn nhiều nhưng không giảm, vì sao?
Để kéo giảm tội phạm XHTD trẻ em, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng, đoàn thể các cấp từ trung ương đến địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho người dân. Thế nhưng kết quả không như mong đợi, thậm chí còn diễn biến phức tạp hơn. Vì sao?
Tại hội nghị chuyên đề về phòng chống tội phạm XHTD trẻ em do Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM tổ chức mới đây, lãnh đạo đơn vị này thừa nhận công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm XHTD còn nhiều bất cập, trong đó có những khó khăn trong quá trình điều tra, truy tố.
Cụ thể, nhiều trường hợp, cha mẹ làm đơn tố giác hành vi phạm tội đối tượng XHTD con mình, nhưng chính đứa con (nạn nhân) lại không hợp tác, không chịu giám định vì ngại, hoặc vì sợ bạn trai vào tù. Cũng có trường hợp đối tượng quan hệ tình dục thừa nhận hành vi phạm tội với cơ quan điều tra, nhưng khi đưa nạn nhân đi giám định màng trinh lại phát hiện có tế bào nam của một đối tượng khác. Ngoài ra, trong nhiều vụ việc, nạn nhân, người thân để sự việc trôi qua một thời gian dài, có khi hơn 3 tháng mới trình báo cơ quan chức năng. Lúc này, công tác giám định, thu thập chứng cứ, dấu vết gặp khó khăn.
Những vụ án này thường không có người làm chứng, và nếu có thì chỉ là người làm chứng gián tiếp (nghe người bị hại kể lại). Khi việc thu thập chứng cứ, dấu vết tội phạm chậm trễ, việc chứng minh và tìm ra thủ phạm càng khó khăn. Thực tế đã có nhiều vụ việc phải đình chỉ điều tra, hoặc kéo dài thời gian điều tra, truy tố đưa xét xử vì những lý do trên.
Ở góc độ cơ quan đoàn thể, bà Tô Thị Kim Hoa, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em, thừa nhận công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho người dân biết, phòng ngừa nạn XHTD trẻ em thời gian qua còn hạn chế, chưa đạt kết quả như mong muốn. Một phần vì do một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm, thiếu sâu sát dẫn đến việc tuyên truyền chỉ mang tính hình thức, không thiết thực, phần khác vì cơ chế (nhân sự, kinh phí) còn bất cập. “Mỗi xã, phường hiện nay đều có cán bộ làm nhiệm vụ tuyên truyền phòng ngừa tội phạm XHTD, tuy nhiên do phải kiêm nhiệm nhiều việc nên ở nhiều nơi nhiệm vụ này bị bỏ lửng”, bà Hoa nói.
Bà Tô Thị Kim Hoa cũng chỉ ra thực tế: “Phần lớn các gia đình chưa có thói quen dạy trẻ về giới tính, coi đây là vấn đề cấm kỵ, khi trẻ đặt câu hỏi thì phụ huynh trả lời qua loa rằng lớn lên sẽ biết. Chính điều này làm kích thích sự tò mò của trẻ, làm gia tăng nguy cơ trẻ bị XHTD. Ngoài ra, có nhiều gia đình, cha mẹ chỉ lo làm ăn, ít quan tâm, chăm lo con cái, khiến khoảng cách giữa các em với các đối tượng xấu bị kéo gần…”.
Cần thay đổi luật
Có một thực tế không thể phủ nhận là quá trình điều tra, phá án XHTD, nhất là XHTD trẻ em, thường rất chậm, có vụ kéo dài đến mấy năm vẫn chưa xong. Với quy trình tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm XHTD ở trẻ em như hiện nay, sẽ còn nhiều trường hợp trẻ bị xâm hại nhưng hung thủ vẫn nhởn nhơ, thách thức pháp luật, gây bất bình trong xã hội.
Do vậy, cần phải thay đổi quy trình, nhân sự tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm XHTD, bởi loại tội này mang tính đặc thù nên cần phải có một quy trình, cách xử lý riêng. Theo đó, cần thành lập bộ phận chuyên trách tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm XHTD từ trung ương đến địa phương với nhân sự là đội ngũ bác sĩ tâm lý, bác sĩ chuyên khoa phụ sản, các nữ cảnh sát đã được đào tạo chuyên sâu về tâm lý trẻ em. Khi có tin báo tội phạm, bộ phận này sẽ là người trực tiếp tiếp nhận, xử lý thông tin ban đầu, thăm khám, giám định pháp y, thu thập dấu vết, vật chứng và kết luận có hay không dấu hiệu XHTD. Kết quả giải quyết của bộ phận này là căn cứ để cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Về pháp luật hình sự, hiện nay các tội danh XHTD có 6 điều (từ Điều 111 đến Điều 116), thuộc Chương XII Bộ luật Hình sự hiện hành. Trong nhóm tội này, chỉ có tội “Hiếp dâm trẻ em” (Điều 112) có mức hình phạt cao nhất là tử hình, còn lại mức cao nhất là chung thân. Riêng tội “Dâm ô trẻ em” theo Điều 116, mức cao nhất là 12 năm tù.
Mức hình phạt đối với nhóm tội này, theo tôi là còn nhẹ, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong điều kiện hiện nay. Đó là chưa kể, khi kẻ thực hiện hành vi đồi bại bị đem ra truy tố, xét xử, mức án dành cho họ thường nhẹ hơn so với khung quy định của pháp luật. Vì vậy, khi Quốc hội đang sửa lại Bộ luật Hình sự, các chuyên gia pháp luật, những người làm công tác bảo vệ trẻ em cần đề xuất cơ quan lập pháp, ban soạn thảo xem xét tách nhóm tội XHTD thành một chương riêng - chương tội phạm về XHTD. Đồng thời, cần có khảo sát xã hội học về mức hình phạt đối với nhóm tội này như quy định hiện hành có đủ tính răn đe, phòng ngừa hay cần thiết phải tăng mức hình phạt.
Luật sư NGUYỄN VĂN ĐỨC, Đoàn Luật sư TPHCM
Nâng cao ý thức, kỹ năng từ trường học
Ngành giáo dục cần cải tiến phương pháp dạy các tiết học giáo dục giới tính, lồng ghép kiến thức pháp luật về vấn đề XHTD trẻ em một cách sinh động, dễ hiểu, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi. Đồng thời khuyến khích các em mạnh dạn đưa ra các câu hỏi, thắc mắc về giới tính để giáo viên giải đáp một cách chính thống. Từ những câu hỏi của các em, nhà trường sẽ nắm bắt được những vấn đề cụ thể các em quan tâm, muốn tìm hiểu trong từng khối lớp, để xây dựng giáo án, giảng dạy, tuyên truyền hiệu quả.
Ngoài ra, chính quyền cần tăng cường trách nhiệm của cán bộ trong công tác quản lý kinh doanh dịch vụ nhà trọ, nhà nghỉ, các loại hình dịch vụ văn hóa, nhất là việc quản lý thông tin trên Internet, mạng xã hội, kịp thời ngăn chặn các phim ảnh, trò chơi đồi trụy. Bên cạnh đó, hàng tháng, hàng quý, ngành công an cần tổ chức các buổi tập huấn, phổ biến kiến thức phòng chống XHTD trẻ em, tập huấn kỹ năng xử lý tình huống khi bị tấn công, xâm hại tình dục cho trẻ.
Bà TÔ THỊ KIM HOA, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em