Sơ hở là bị mất trộm
Ông Nguyễn Văn Tuấn (ngụ phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết, đợt nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương vừa qua, ông cùng vợ rời TPHCM về quê ở Vũng Tàu và đi thăm người thân. Trước khi đi, ông cẩn thận khóa cửa bằng nhiều lớp nhưng vẫn bị trộm. Chỉ trong vài phút, kẻ gian đã đột nhập vào nhà lấy đi tivi, xe gắn máy…
Nhà trọ ở các khu vùng ven là nơi thường được “đạo chích” dòm ngó. Bà Hoàng Ngọc Trân (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) kể, dịp lễ vừa qua, vợ chồng bà đóng cửa phòng trọ về quê ở Bình Thuận. Hôm sau, người bạn chung dãy phòng trọ báo kẻ gian đột nhập, lấy xe gắn máy bà mới mua gần 40 triệu đồng. Đồng cảnh ngộ là gia đình ông Minh (ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) cũng bị kẻ gian đột nhập vào nhà khi gia đình về tỉnh Long An. Kẻ gian lấy nhiều tài sản của gia đình ông Minh, trị giá hơn 100 triệu đồng.
Theo Công an TPHCM, vào các kỳ nghỉ lễ dài ngày, tình hình an ninh trật tự có chiều hướng diễn biến phức tạp. Đây là cơ hội thuận lợi mà tội phạm trộm cắp, cướp giật tài sản gia tăng hoạt động. Nhằm phòng ngừa, công an các quận, huyện và TP Thủ Đức ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền tới người dân về tội phạm trộm cắp, cướp… Thậm chí, ngày cuối tuần, cảnh sát khu vực tới tận hộ gia đình hướng dẫn cách phòng ngừa tội phạm. Khi phát hiện đối tượng nghi vấn, người dân có thể chụp hình ảnh và gửi lên nhóm Zalo, Facebook do phường quản lý, ngay sau đó công an sẽ có mặt kiểm tra.
“Bật mí” cách phòng trộm cướp
Đại tá Trần Văn Hiếu, Trưởng Công an TP Thủ Đức, cho biết, vào dịp nghỉ lễ dài ngày, người dân cần chủ động bảo vệ tài sản của mình, tránh lơ là để trở thành nạn nhân. Các đối tượng sẽ theo dõi, khi phát hiện các gia đình về quê, đi du lịch, trong nhà không có người sẽ đột nhập để trộm. Kẻ trộm ngày càng tinh vi, không có loại khóa, loại két sắt nào là “bất khả xâm phạm” với kẻ trộm cắp. Do đó, người dân cần đề phòng, không để tài sản có giá trị trong nhà. Nếu đi xa, người dân cần khóa cửa cẩn thận và có thể để biển ghi “đề phòng chó dữ” hoặc “khu vực có camera an ninh” để đánh vào tâm lý của kẻ gian.
Đại tá Lê Văn Bích, Trưởng Công an quận 8, cũng khuyến cáo, vào dịp lễ, người dân nếu đi du lịch, về quê… thì không nên chia sẻ lên mạng xã hội. Nếu kẻ trộm là một trong những “bạn bè” trên mạng xã hội thì việc đăng những hình ảnh, check-in khu vui chơi, địa điểm du lịch như một lời thông báo “béo bở” để chúng lên kế hoạch đột nhập vào nhà. Ngoài ra, trước khi vắng nhà, người dân báo cảnh sát khu vực để nắm thông tin, tập trung hơn trong việc quan sát khu vực, trên hệ thống camera an ninh.
Phần lớn ban đêm là thời điểm để kẻ gian xác định rõ nhất có người trong nhà hay không. Vì vậy, nếu có hệ thống tự động thì nên hẹn giờ bật đèn chiếu sáng để trộm tưởng có người trong nhà; có thể nhờ người thân, hàng xóm bật hộ đèn chiếu sáng ngoài cổng, trước nhà. Nhờ người thân và hàng xóm quan sát xem có những mẫu quảng cáo, rao vặt được đặt bất thường trước cổng, cửa nhà, trong vị trí để mở khóa thì cần phải lấy xuống ngay, vì đây là cách mà kẻ gian thử xem có người ra vô, ở trong nhà không. Người dân rời khỏi nhà có thể trang bị camera, khóa chống trộm để có thể theo dõi nhất cử nhất động trong nhà từ xa bằng điện thoại thông minh.
Về thủ đoạn trộm, móc túi ở điểm du lịch, vui chơi, Đại tá Trần Văn Hiếu thông tin, đối tượng chọn nơi tập trung đông người để ra tay, hoạt động theo nhóm để hỗ trợ, che chắn, tẩu tán tài sản hoặc cản trở người truy đuổi khi bị phát hiện. Vì thế, người dân đến những điểm này cần cảnh giác, không mang quá nhiều tiền, trang sức khi đi chơi. Nếu mang theo nhiều tiền, vàng hay đi rút tiền ở ngân hàng, ở trụ ATM thì nên có người đi cùng. Không nghe điện thoại khi đi đường và chú ý thủ đoạn dàn cảnh va quẹt xe, hỏi đường…
Công an TPHCM cũng đề nghị người dân nâng cao cảnh giác và thực hiện các biện pháp phòng chống tội phạm trong dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 sắp tới. Công an TPHCM, công an các địa phương và lực lượng chức năng liên tục tuần tra khép kín địa bàn, đấu tranh, phòng ngừa tội phạm trộm cắp đột nhập nhà dân khi gia chủ đi vắng trong dịp này.
Tội phạm ngày càng phức tạp, trẻ hóa
Trung tá Nguyễn Thành Hưng, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TPHCM, cho biết, thủ đoạn gây án của nhóm tội phạm đường phố là thường lợi dụng ban đêm, các khu vực, tuyến đường vắng người qua lại để gây án. Khi bị truy bắt, nghi phạm rất manh động và liều lĩnh, bất chấp nguy hiểm tính mạng, sức khỏe của người khác, sử dụng hung khí, bình xịt hơi cay để chống trả, nhằm tẩu thoát và giải nguy cho đồng bọn…
Thành phần tội phạm ngày càng phức tạp, trẻ hóa, đa phần không nghề nghiệp hoặc có nghề nghiệp nhưng không ổn định; trình độ học vấn thấp, lười lao động, có lối sống không lành mạnh.