Yếu kém trong kiểm soát bản thân
Câu hỏi đặt ra là vì sao người ta lại thường dùng đến cách thức ghê rợn là tước đoạt mạng sống của người khác khi gặp mâu thuẫn dù lớn hay nhỏ, dù thuộc chuyện làm ăn hay chuyện tình cảm? Để lý giải cho vấn nạn này, có lẽ cần quay về với một trong những nhãn quan quan trọng trong nghiên cứu và lý giải tội phạm của các nhà xã hội học, mà theo đó, hành vi tội phạm của con người có nguyên nhân từ sự tự kiểm soát yếu kém (low self-control) nơi cá nhân.
Theo các nhà xã hội học Gottfredson và Hirschi thì những người có sự tự kiểm soát yếu kém thường là những người có cái nhìn ngắn hạn, tức là họ luôn muốn thỏa mãn những nhu cầu, giải quyết những bức xúc cá nhân bằng những biện pháp ngắn hạn, cực đoan mà không quan tâm đến hậu quả về lâu dài. Các nghi phạm giết người chỉ vì những bức xúc nhất thời rõ ràng là đã chọn cách cực đoan, ngắn hạn để thỏa mãn cơn bức xúc của mình.
Bên cạnh đó, những cá nhân có sự tự kiểm soát yếu kém cũng thường không có khả năng đặt mình vào vị trí của người khác, của nạn nhân, tức là họ chỉ quan tâm đến cảm xúc và nhu cầu của bản thân mình mà không hề quan tâm hay nghĩ đến những cảm xúc hay nhu cầu của người khác. Do đó, họ thường lấy sự bức xúc, nhu cầu của bản thân để biện minh cho hành động của mình. Ta thường thấy điều này khi các thủ phạm luôn nói mình giết người hay xâm hại, bạo lực người khác vì nóng giận, không kiềm chế được bản thân, nhất là khi gặp phải áp lực hay những kích thích từ bên ngoài.
Vậy sự tự kiểm soát yếu kém đến từ đâu? Dĩ nhiên cái gốc luôn nằm trong cách thức giáo dục của gia đình. Chúng ta vẫn luôn chứng kiến những cách dạy con kiểu “đi tắt đón đầu” của phụ huynh, tức là thay vì dùng lời lẽ để uốn nắn con cái thì họ thường dùng đòn roi, bạo lực để dạy con vì đây là cách nhanh nhất để con cái phải sợ mình.
Bên cạnh đó, sống trong một xã hội đang đòi hỏi mọi thứ phải có kết quả tức thì, bất chấp phương tiện, cũng khiến cho con người không có thời gian để dừng lại suy nghĩ. Cùng với đó, trên các mạng xã hội, kể cả phim ảnh, tần suất những hình ảnh bạo lực xuất hiện rất nhiều cũng tác động một phần đến tâm lý của những người có sự kiểm soát yếu, dễ dẫn đến xu hướng sử dụng bạo lực để giải quyết những mâu thuẫn...
Dĩ nhiên không thể không nói đến vai trò của việc thực thi pháp luật trong đời sống xã hội. Thông thường, các thành viên trong xã hội sẽ có xu hướng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn khi luật pháp của xã hội thiếu hiệu quả trên thực tế. Do đó, các vụ việc phải được đưa ra xét xử công khai với các bản án nghiêm minh để cộng đồng thấy được hậu quả, tác hại của việc sử dụng bạo lực trong giải quyết mâu thuẫn. Cùng với đó, cần phải có sự thay đổi về cách thức giáo dục trong gia đình, cách đánh giá của xã hội cũng như nền tảng luật pháp để có thể kéo giảm tình trạng bạo lực.
LÊ MINH TIẾN, Giảng viên Trường ĐH Mở TPHCM
Rất đáng lo ngại
Tội phạm giết người là loại tội phạm có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, vì vậy Công an TPHCM nói chung, Công an TP Thủ Đức nói riêng đặc biệt quan tâm triển khai biện pháp phòng ngừa, để kịp thời ngăn chặn từ sớm, không để xảy ra các vụ thảm án, các vụ án giết người nghiêm trọng. Phần lớn các vụ án giết người là do mâu thuẫn bộc phát tức thời, mâu thuẫn trong gia đình, tình cảm, ngáo đá, uống rượu bia, cướp, trộm cắp… Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ việc đau lòng này có sự xuống cấp của đạo đức xã hội, đạo nghĩa gia đình, lối sống và văn hóa ứng xử giữa con người với nhau.
Hiện Công an TP Thủ Đức đã tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động; nâng cao chất lượng giáo dục học đường theo hướng cân bằng, coi trọng đồng bộ giữa giáo dục văn hóa và xây dựng nền tảng đạo đức; tăng cường năng lực cho lực lượng công an để chủ động nắm tình hình kịp thời, phát hiện, giải quyết sớm mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, nhất là mâu thuẫn về tranh chấp đất đai, vay mượn tài sản... Phát huy vai trò các tổ hòa giải, tổ chính trị - xã hội; không để xảy ra mâu thuẫn bức xúc, kéo dài dẫn đến giải quyết bằng bạo lực.
Cùng với đó là quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn dân cư, nhất là người có tiền án, tiền sự, người nghiện ma túy tại cộng đồng; phối hợp cơ quan chức năng đưa người mắc bệnh tâm thần vào các cơ sở điều trị, phối hợp quản lý chặt chẽ người bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh; phối hợp ban, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân, nhất là pháp luật về hình sự, dân sự, hôn nhân, gia đình, phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm giết người.
Đại tá TRẦN VĂN HIẾU, Trưởng Công an TP Thủ Đức, TPHCM