Diễn đàn “Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ KH-ĐT) đã khai mạc sáng nay 12-5, tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025 của Việt Nam. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Theo các chuyên gia tham dự hội thảo, một trong những yếu tố cần được kiểm soát chặt chẽ là lạm phát. TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, với độ trễ của gói phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam, đặt trong bối cảnh năm 2023 lạm phát vẫn ở mức cao so với lạm phát mục tiêu của các nền kinh tế là đối tác quan trọng của kinh tế Việt Nam, lạm phát của nước ta có thể vượt qua ngưỡng 5% trong năm 2023, thậm chí có thể đến 5,5%.
Ông Lâm phân tích, ngay khi đại dịch được kiểm soát, các quốc gia đã thực hiện chính sách tài khoá nghịch chu kỳ với các gói kích thích kinh tế và chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm phục hồi, đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo năm 2019 - năm trước đại dịch. Tuy nhiên, các yếu tố về nguồn cung, căng thẳng địa chính trị đưa đến rủi ro làm gia tăng lạm phát trên toàn cầu.
Với Việt Nam, gần đây, IMF dự báo lạm phát năm 2022 nước ta tăng 3,9%, sát ngưỡng mục tiêu kiểm soát 4% đặt ra; Ngân hàng Standard Chartered dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam vượt mục tiêu 4% Quốc hội đề ra và có thể lên 5,5% trong năm 2023.
Trong khi đó, dựa trên yếu tố giá dầu thô tăng cao, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) dự báo, nếu giá dầu bình quân năm 2022 ở mức 80 USD/thùng, lạm phát năm 2022 của Việt Nam có thể đạt mức 4,5%. Tuy nhiên, nếu giá dầu duy trì trên ngưỡng 100 USD/thùng lạm phát có thể tăng lên mức 5,1%...
Vậy làm thế nào để thực hiện thành công mục tiêu lạm phát mà Quốc hội đề ra? Ông Lâm cho rằng, Chính phủ, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cần thực hiện nhiều giải pháp. Ông Lâm đề xuất 8 giải pháp để lạm phát Việt Nam cả giai đoạn 2021-2025 khoảng 4% - đạt mục tiêu kế hoạch đề ra trong kiểm soát lạm phát cả thời kỳ kế hoạch 5 năm. Đó là rà soát, bãi bỏ các quy định không hợp lý; cộng đồng doanh nghiệp cần đa dạng hóa nguồn cung, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong dài hạn cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư chủ động nguồn nguyên vật liệu; tăng tính độc lập tự chủ của nền kinh tế… Bộ Công thương, Bộ Tài chính cần minh bạch và đơn giản hóa quy trình thương mại, khuyến khích và đẩy mạnh chia sẻ thông tin về giá cả. Ngân hàng Nhà nước được đề nghị sử dụng chính sách tiền tệ đúng liều lượng, hợp lý; tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, thao túng giá…