Phòng ngừa nguy cơ đột quỵ để đón tết an vui

Đột quỵ có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào. Tuy nhiên, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán, các yếu tố nguy cơ đối với căn bệnh này có thể cao hơn. 

Chức năng vận động của người bệnh bị ảnh hưởng nặng nề sau đột quỵ
Chức năng vận động của người bệnh bị ảnh hưởng nặng nề sau đột quỵ

Theo BS-CK2 Bùi Châu Tuệ, Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy, đột quỵ đe dọa sức khỏe và tính mạng người bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng chất lượng sống và có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Trong dịp Tết Nguyên đán, thói quen sinh hoạt cũng như chế độ ăn uống ít nhiều có thay đổi, là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến tăng nguy cơ đột quỵ. Đặc biệt, nguy cơ này cao hơn đối với người có bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, tăng cholesterol máu, béo phì…

BS Bùi Châu Tuệ phân tích, thông thường, ngày tết, nhiều gia đình có khuynh hướng ăn dưa muối, thịt kho, cá khô - những món có lượng muối cao. Điều này dễ làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ gây đột quỵ.

Ngoài ra, những món ăn nhiều cholesterol, đồ chiên, xào, thịt mỡ, rượu bia... trong các buổi tiệc tùng, liên hoan liên tục cũng là yếu tố nguy cơ cao dẫn đến những thay đổi quá mức của cơ thể. Từ đó, làm tăng nguy cơ đột quỵ. Do vậy, các gia đình nên tăng cường chế biến món ăn ở dạng hấp, luộc, giảm dầu mỡ, hạn chế sử dụng bia, rượu đến mức thấp nhất.

Về thói quen sinh hoạt, trong ngày lễ tết, người dân thường thức khuya dậy muộn, thậm chí bỏ thói quen tập thể dục hàng ngày. Cơ thể ít vận động, ngồi quá lâu sẽ không tốt cho sức khỏe.

Đối với người có bệnh nền, bên cạnh giữ thói quen ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, cần tuân thủ uống thuốc điều trị đúng theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không vì vui tết mà lơ là việc dùng thuốc hàng ngày, có thể tăng các nguy cơ gây đột quỵ.

Không chỉ trong dịp tết mà kể cả những ngày thường, nguy cơ đột quỵ cũng có thể xảy ra. Để phòng ngừa, người dân nên khám sức khỏe định kỳ, tầm soát các yếu tố nguy cơ gây, duy trì thói quen ăn uống và sinh hoạt lành mạnh.

Dấu hiệu của đột quỵ cần nhớ thông qua chữ “FAST”. Trong đó:

F là Face (mặt) - bệnh nhân đột ngột méo miệng.

A là Arms (cánh tay) - bệnh nhân đột ngột liệt nửa người.

S là Speech (khả năng nói) - bệnh nhân đột ngột nói đớ, giọng nói thay đổi hoặc không nói được

T là Time (thời gian) - bệnh nhân cần phải được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt để can thiệp và xử trí kịp thời.

Tin cùng chuyên mục