Cảnh giác với các nguy cơ đuối nước
Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương đã xảy ra nhiều vụ trẻ em bị đuối nước. Có nhiều trường hợp không biết bơi nhưng vẫn liều lĩnh cùng bạn bè xuống tắm ở sông, hồ. Có không ít trường hợp biết bơi, nhưng không lường được vùng nước xoáy, sóng to, nước ngầm lạnh lẽo gây vọp bẻ, hoặc bị bạn khác đuối nước ghì kéo nên cũng bị đuối nước. Đuối nước thực sự là hiểm họa.
Tại các kênh, sông, hồ ở đô thị, nhiều trẻ em vẫn liều lĩnh xuống bơi lội. Chính quyền địa phương cần niêm yết các biển cảnh báo, biển cấm xuống bơi lội và nhắc nhở để không xảy ra những vụ trẻ em đuối nước. Khi mưa lớn, tại các đô thị, tình trạng ngập sâu cục bộ diễn ra ở nhiều nơi. Thật nguy hiểm khi cống thoát nước, hố ga được mở nắp để nước thoát nhanh. Nước rút mạnh sẽ tạo nên dòng chảy, xoáy nước có thể xảy ra tai nạn chết người. Các cơ quan quản lý các công trình hạ tầng đô thị cần thường xuyên kiểm tra khắc phục ngay các nắp hố ga bị hư hỏng.
Bà NGUYỄN THỊ ÁI MỸ (quận 1, TPHCM)
Xây dựng trung tâm bơi lội ở từng cụm trường học
Trên địa bàn TPHCM hiện nay, rất ít trường có được hồ bơi để dạy bơi cho học sinh. Tuy vậy, khu vực chung quanh các trường học, cũng có nhiều hồ bơi của các câu lạc bộ thể thao, của tư nhân, hoặc của các khu đô thị mới, đang có nhiều người đến bơi lội, tập luyện. Các phụ huynh nên đưa con em đến các nơi này để học bơi, vì đây là một kỹ năng sống rất cần thiết.
Ở các trường không có điều kiện tổ chức cho học sinh học bơi, cũng cần quan tâm việc phòng ngừa hiểm họa trẻ em đuối nước bằng việc thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở về nguy cơ bị đuối nước nếu không được trang bị kỹ năng bơi lội, để học sinh có ý thức không chủ quan khi tắm sông hồ, và cũng qua đó vận động phụ huynh quan tâm, tạo điều kiện để con em được học bơi.
Thầy ĐINH MINH HÒA, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trung Trực (TPHCM)
Nâng cao trách nhiệm của người lớn
Trên thực tế, nguy cơ đuối nước với trẻ nhỏ không chỉ là sông suối, ao hồ, biển, mà cả ở các bãi tắm tự phát và các hố nước tại các công trình. Đã có nhiều trẻ thiệt mạng chỉ vì không may sa chân xuống hố, cống của công trình xây dựng gần nhà. Nguyên nhân là do sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm của người lớn. Điều này hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu người lớn có ý thức hơn.
Có một thực tế là trong nhiều vụ tai nạn trẻ em đuối nước, có phần do sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương, không quan tâm phòng ngừa tai nạn đuối nước cho trẻ em, để môi trường xung quanh tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn. Nhiều khúc sông sâu nước xoáy, hay hố nước công trình nguy hiểm, nhưng không hề có biển cảnh báo. Ngoài ra, chính người lớn trong gia đình cũng thiếu quan tâm bảo vệ con em, chưa trang bị kỹ năng phòng ngừa tai nạn đuối nước cho trẻ.
Anh TRẦN VĂN THÔNG (quận Tân Bình, TPHCM)