Mặc dù chưa đến cao điểm nhưng dịch bệnh thủy đậu (trái rạ) đang có xu hướng lan rộng. Đây là dịch bệnh diễn tiến theo chu kỳ vào các tháng 2, 3, 4 của mỗi năm và thường để lại nhiều biến chứng cho người mắc phải, kể cả người lớn lẫn trẻ em.
“Đứt” vaccine ngừa mũi 2
Để phòng ngừa dịch bệnh thủy đậu cho con trai tên N.T. Nhân vừa hơn 2 tuổi rưỡi, cuối tháng 12 vừa qua, chị Hường (ngụ phường Tân Thuận Đông, quận 7, TPHCM) đưa con đến Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 chích ngừa mũi 2. Tuy nhiên, sau khi khám sàng lọc, bác sĩ đã chỉ định tiêm một mũi vaccine Varivax 0,5ml có giá 610.000 đồng. Bác sĩ giải thích đây là loại vaccine ngừa thủy đậu chỉ chích mũi duy nhất và khác với loại vaccine mà bé Nhân đã tiêm mũi 1 trước đó có tên Varilrix. “Vaccine Varilrix hết hàng, không nhập nữa nên không thể chích mũi 2 cho bé”, bác sĩ giải thích.
Chị Hường thấy lo lắng vì chích 2 loại vaccine thủy đậu khác nhau liệu có bị phản ứng nên hỏi đi hỏi lại bác sĩ khám chỉ định, song bác sĩ nói tiêm được. Thế nhưng sau khi đóng tiền mua vaccine, nhân viên chích ngừa đã không cho chích mũi Varivax vì “đã hỏi ý kiến và bác sĩ trưởng khoa không đồng ý”.
Như vậy có nghĩa bé Nhân không thể chích ngừa tiếp mũi 2 vaccine Varilrix nếu loại vaccine này đã “hết hàng” và nguy cơ mắc dịch thủy đậu là rất lớn khi đã hết kháng thể của mũi 1?... Tại BV Nhi đồng 1 TPHCM cũng rơi vào tình trạng tương tự khi nhiều bé đã tiêm vaccine ngừa thủy đậu Varilrix mũi 1 nay có thể bị “đứt” mũi 2.
Chích ngừa vaccine phòng thủy đậu.
Lý giải về vấn đề này, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh BV Nhi đồng 1, lại cho rằng nếu không tiêm được mũi 2 vaccine Varilrix thì vẫn có thể tiêm vaccine Varivax không ảnh hưởng gì. “Tôi vẫn tư vấn cho các phụ huynh là có thể tiêm một mũi Varivax mà không sao cả. Thay vì các nhà sản xuất làm 2 mũi thì gộp lại một mũi nhằm cạnh tranh nhau mà thôi”, BS Khanh nói…
Thực tế hiện nay có cả ngàn trẻ đã tiêm vaccine Varilrix mũi 1 nhưng loại vaccine này gần như không còn nhập khẩu và nhiều cơ sở y tế có tiêm chủng cũng không còn dự trữ mà chuyển sang loại vaccine chỉ chích một mũi là Varivax. Vậy liệu những trẻ đã chích mũi 1 Varilrix có thể chích được Varivax hay không, có ảnh hưởng gì không thì mỗi cơ sở y tế tự “vận dụng” mỗi kiểu!
Trong khi đó, thời điểm giao mùa đang là chu kỳ bùng phát dịch bệnh thủy đậu. Trong những tuần qua đã xuất hiện một số ca mắc thủy đậu phải nhập các BV: Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 TPHCM. “Hiện có lác đác một số ca và đang tăng theo chu kỳ hàng năm khi bước sang tháng 2, 3”, BS Trương Hữu Khanh cho biết. Trong sổ khám bệnh trẻ em mà các BV ghi chú cho thấy, chích ngừa vaccine là một trong những biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Theo đó, trẻ từ 12 tháng đến 12 tuổi chích 2 liều, mỗi liều cách nhau 3 tháng; và trên 12 tuổi chích 2 liều, mỗi liều cách nhau 6 tuần.
Nhiều biến chứng
Theo ghi nhận, các ca mắc thủy đậu điều trị nội trú chiếm 10%-15% bị các biến chứng như lở loét gây viêm da, nhiễm trùng da, viêm phổi. Thậm chí đã có trường hợp biến chứng viêm phổi nguy kịch. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhìn nhận, đây là loại bệnh truyền nhiễm gây ra do siêu vi varicella zoster, lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. Khi một người bị bệnh thủy đậu ho hay hắt hơi, vô số virus sẽ được “bắn” vào không khí và nếu chẳng may hít phải sẽ có nhiều khả năng mắc bệnh. Trong một số ít trường hợp, bệnh cũng có thể lây khi tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ bóng nước trên cơ thể người bệnh thủy đậu.
Theo BS Đỗ Châu Việt, Khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2 TPHCM, dấu hiệu chính của bệnh là những bóng nước lớn nổi trên mặt da và niêm mạc. Người bệnh thủy đậu có thể truyền bệnh cho người khác từ khoảng 5 ngày, trước khi bắt đầu xuất hiện bóng nước đầu tiên, và còn có thể tiếp tục gieo rắc mầm bệnh cho đến khi tất cả mụn nước đã đóng thành vảy. Trong đa số trường hợp, bệnh thủy đậu thường nhẹ và sẽ tự khỏi sau vài ngày, nhưng một số ít sẽ diễn tiến nặng và gây ra các biến chứng nguy hiểm. “Không chỉ trẻ nhỏ mà cả người lớn cũng có thể mắc thủy đậu nếu chưa được chích ngừa đầy đủ. Đã có những chùm ca bệnh thủy đậu mà cả gia đình trong một nhà mắc phải”, BS Việt khuyến cáo.
Theo Cục Y tế dự phòng, dịch thủy đậu thường xảy ra từ cuối năm dương lịch cho đến tháng 4 năm sau. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường ở trẻ 5-9 tuổi; xảy ra nặng nhất ở người lớn và trẻ dưới 5 tuổi. Một trong những dấu hiệu của bệnh thủy đậu là người bệnh sốt cao, đau nhức, sau đó xuất hiện mụn nước trên da, trong vòng 24 đến 48 giờ có thể nổi toàn thân. Trường hợp người bệnh có sức đề kháng tốt, mụn nước thường nổi ít hơn, tình trạng bệnh không quá trầm trọng. Nếu thể trạng không tốt hoặc trước đó người bệnh đã mắc các bệnh lý khác, có ảnh hưởng đến sức đề kháng của cơ thể, số lượng mụn nước có thể gia tăng nhiều, dễ gây nhiễm trùng nốt đậu, để lại sẹo, gây mất thẩm mỹ.
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm dễ lây lan, hầu hết bệnh ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên, bệnh có thể diễn tiến nặng, khiến bệnh nhân bị nhiễm trùng máu, biến chứng vào phổi, não, gan, xương khớp..., thậm chí có thể gây tử vong. Phụ nữ có thai mắc bệnh thủy đậu trong 28 tuần đầu của thai kỳ, có khả năng bị sảy thai, hoặc thai nhi có nguy cơ phát triển hội chứng thủy đậu thai nhi (FVS).
| |
TƯỜNG LÂM