Phòng khám đa khoa vệ tinh “đuối sức”

Những ngày đầu năm, tìm tới một số phòng khám đa khoa vệ tinh trên địa bàn TPHCM, thật không khỏi chạnh lòng khi nơi thì cửa đóng then cài, nơi chỉ lác đác vài người dân tới khám chữa bệnh.

Giảm 70% lượt người thăm khám

Sáng 11-1, có mặt tại Phòng khám đa khoa vệ tinh (PKĐKVT) Thảo Điền, trực thuộc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức, chúng tôi ghi nhận có gần 10 lượt người tới khám chữa bệnh. Bác sĩ CKII Nguyễn Quốc Cường, phụ trách phòng khám, cho biết, đơn vị đã hoạt động được 5 năm, với các chuyên khoa Nội, Nhi, Răng hàm mặt, Y học cổ truyền, Vật lý trị liệu, Chẩn đoán hình ảnh và Xét nghiệm. Trong đó, chuyên khoa Nội đông người bệnh đến khám nhất, chủ yếu là các bệnh mãn tính như tiểu đường, huyết áp, tim mạch, hen phế quản… Bình quân phòng khám tiếp nhận 80-150 lượt người/ngày, cao điểm có lúc 200-220 lượt người/ngày. Tuy nhiên, hiện số lượt người tới khám chữa bệnh giảm còn 40%-50%.

m4d-9047.jpg
Bác sĩ Phòng khám đa khoa khu vực Thảo Điền, TP Thủ Đức, TPHCM thăm khám cho bệnh nhân Ảnh: QUANG HUY

“Nguyên nhân sụt giảm một phần do thay đổi quy định của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) về khám chữa bệnh trái tuyến. Hiện nay, người khám BHYT phải đến các bệnh viện tuyến trên để được hưởng chế độ BHYT”, BS Nguyễn Quốc Cường chia sẻ. Ví dụ, người dân có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu là cơ sở tuyến tỉnh trên địa bàn TPHCM như tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Thống Nhất… sẽ không được khám chữa bệnh BHYT đúng tuyến tại các PKĐKVT. Nếu muốn khám chữa bệnh BHYT đúng tuyến tại các PKĐKVT, phải có giấy chuyển viện từ các bệnh viện này về phòng khám.

Tương tự, Bệnh viện TP Thủ Đức hiện có 3 PKĐKVT gồm: Bình Chiểu (20 y, bác sĩ); Linh Xuân (60 y, bác sĩ); Linh Tây (38 y, bác sĩ). Trước đây, mỗi phòng khám tiếp nhận 50-500 lượt người/ngày, nay giảm tới 50%-70%. Hai PKĐKVT Linh Trung 1, Hiệp Bình Chánh của bệnh viện thì sau dịch Covid-19, số lượt người đến thăm khám giảm nhiều nhất trong số các phòng khám nên phải đóng cửa vì thu không đủ bù chi, bàn giao mặt bằng cho Trung tâm Y tế TP Thủ Đức, trạm y tế phường quản lý.

“Trạm Y tế phường Hiệp Bình Chánh có diện tích trên 2.000m2, được đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ, kết hợp với việc Bệnh viện TP Thủ Đức đặt PKĐKVT tại trạm đã giúp địa phương chăm lo sức khỏe ban đầu cho 110.000 nhân khẩu thuận lợi, nhất là người cao tuổi không phải đi xa để khám chữa bệnh mãn tính không lây”, BS Nguyễn Gia Phương, Trưởng trạm Y tế phường Hiệp Bình Chánh, cho biết. Không còn phòng khám, bây giờ mỗi ngày Trạm Y tế phường Hiệp Bình Chánh chỉ có 5-10 lượt người tới thăm khám. 6.000/8.100 người cao tuổi của địa phương có bệnh mãn tính không lây rất vất vả đi lại khám chữa bệnh ở tuyến trên.

Tập trung củng cố y tế cơ sở

Cách đây 5 năm, TPHCM thực hiện mô hình PKĐKVT với mục đích giảm tải tuyến trên, giúp người bệnh được chăm sóc sức khỏe tốt nhất ngay tại tuyến y tế cơ sở. Đồng thời giải quyết được nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân ở những nơi cách xa trung tâm thành phố, khu vực đông dân nhưng thiếu cơ sở khám chữa bệnh công lập như các huyện Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh, Hóc Môn và TP Thủ Đức. Phòng khám mở tại các trạm y tế còn giúp người dân tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh đa khoa thuận lợi và nhanh chóng. Với các trường hợp khó, phòng khám có thể hội chẩn trực tuyến với các bệnh viện tuyến trên để xử lý tình huống, điều trị kịp thời trong “khung giờ vàng” cho bệnh nhân nguy kịch… Tuy nhiên, TPHCM hiện chỉ còn 6/9 PKĐKVT hoạt động, trong số đó nhiều nơi dù đang còn hoạt động nhưng gặp khó khăn về gánh nặng chi phí, nhân lực, nhất là vướng Luật BHYT… khiến số người tới khám chữa bệnh giảm sâu, nguy cơ đóng cửa cao.

m1a-4188.jpg
Bác sĩ Phòng khám đa khoa khu vực Thảo Điền, TP Thủ Đức, TPHCM thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: QUANG HUY

Nhận diện những khó khăn bất cập này, Sở Y tế TPHCM đã đề ra nhiều giải pháp căn cơ, trong đó tập trung củng cố y tế cơ sở, để các trạm y tế đều có đủ năng lực khám ban đầu. “Ngành đã và đang tiếp tục tăng cường nhân lực, vật lực cho các bệnh viện triển khai thêm mô hình PKĐKVT ở các phường, khu vực đông dân cư - nơi người dân thực sự cần phòng khám. Không chỉ bệnh viện quận, huyện mà các bệnh viện tuyến cuối của thành phố cũng có thể tham gia mô hình này”, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, thông tin.

Mong muốn được “kích hoạt” lại các PKĐKVT đã đóng cửa, phát triển các phòng khám đang hoạt động, TS-BS Vũ Trí Thanh, Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức, đề xuất Bộ Y tế tháo gỡ nhanh vấn đề “thông tuyến”. Theo đó, người bệnh đến khám chữa bệnh tại các PKĐKVT được hưởng BHYT đúng tuyến khi thẻ BHYT có nơi đăng ký khám bệnh ban đầu là các cơ sở trên địa bàn thành phố từ tuyến huyện trở xuống. Đồng thời điều chỉnh Thông tư 20/2022/TT-BYT (ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT) thuận lợi cho người tham gia BHYT khi khám chữa bệnh tại PKĐKVT được kê toa các thuốc trong danh mục tương ứng với bệnh viện hạng I, II.

“Thu nhập của đội ngũ nhân viên y tế, nhất là bác sĩ đa khoa, nhiều kinh nghiệm tại các PKĐKVT rất thấp, vì chỉ có lương cơ bản, không có nhiều công khám do nguồn thu từ phòng khám không đáp ứng đủ. Thành phố cần có chế độ đãi ngộ, hỗ trợ lương để giữ chân đội ngũ thầy thuốc này, có vậy PKĐKVT mới phát triển và nhân rộng được ra các địa điểm khác”, TS-BS Vũ Trí Thanh đề xuất.

Lãnh đạo một số bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bình Chánh, Tân Phú… (đang triển khai mô hình PKĐKVT trên địa bàn) có cùng mong muốn: Thành phố áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM để đầu tư trang thiết bị máy móc; có cơ chế phát triển riêng cho PKĐKVT trực thuộc bệnh viện; danh mục thuốc được duyệt mở rộng. Ở khu vực đông dân, cơ sở vật chất của trạm y tế không đáp ứng cho việc mở PKĐKVT, thành phố xem xét giao đất để các bệnh viện đầu tư hạ tầng, không phải đi thuê đất mở PKĐKVT.

Tin cùng chuyên mục