Trong tháng 11 và 12-2016, Báo SGGP đã có các bài viết nêu những thủ thuật “vẽ bệnh” của phòng khám này, nhưng sau đó Sở Y tế TPHCM vẫn chưa xử lý và trả lời dư luận.
Anh L.D.K. (nhà ở Bến Tre) đến Báo SGGP trình bày về “những điều kỳ lạ” - cách nói của anh về chi phí điều trị ở phòng khám này. Thấy có triệu chứng bất thường ở vùng kín, hồi giữa tháng 8 anh đến Bệnh viện Da liễu TPHCM khám bệnh và được nơi đây xác định anh bị sùi mào gà. Toàn bộ chi phí điều trị khoảng 3 triệu đồng. Bác sĩ động viên anh yên tâm, không có gì phải lo lắng.
Nhưng không hiểu “trời xui đất khiến” thế nào, khi lên mạng tìm hiểu về bệnh của mình, thấy quảng cáo của Phòng khám Đa khoa Thăng Long, anh liên lạc nhờ tư vấn thêm. Nhân viên tại đây cho anh mã số khám bệnh và đề nghị ngày 10-9 (dù rơi vào chiều chủ nhật) anh phải “lên gấp để khám”. Đến nơi, sau khi đo huyết áp, anh được đưa vào phòng bên trong, có 4 người (3 nữ, 1 nam là bác sĩ người Trung Quốc) thăm khám cho anh. Bác sĩ chỉ định xét nghiệm, siêu âm vùng bụng và thử nước tiểu với giá 1,1 triệu đồng.
Một giờ sau, có kết quả, bác sĩ kết luận: “Còn nhiều vi khuẩn trong dương vật và niệu đạo, để lâu sẽ bị ung thư” và đề nghị đốt điện. Anh được tiến hành gây tê để đốt điện. Gây tê xong, bác sĩ đưa ra 3 loại giá để anh chọn và đề nghị anh chọn loại đốt điện giá 12 triệu đồng. Anh nói không đủ tiền thì bác sĩ cho biết “bệnh này không để lâu được, cứ đốt đi rồi chuyển tiền sau”.
Khi đang đốt điện, bác sĩ lại nói bao da quy đầu hẹp - thực ra là bình thường - và là nguyên nhân gây ủ bệnh, nên đề nghị cắt bao da quy đầu với 3 loại giá: 4 triệu đồng, 8 triệu đồng và 10,8 triệu đồng. Anh K. nói “Để sau này tính”, nhưng bác sĩ một mực khẳng định: “Không được, phải làm liền, nếu không sẽ bị nhiễm trùng”.
Đến khâu kê toa thuốc, bác sĩ tiếp tục “điệp khúc” thuốc có 3 loại giá: 5 triệu đồng, 9 triệu đồng và hơn chục triệu đồng. Anh K. chọn đơn thuốc loại 5 triệu đồng, bác sĩ nói “Giá này thì không đảm bảo đó nghen!”. Sau khi trừ 1,1 triệu đồng tiền xét nghiệm ban đầu, nộp thêm 3 triệu đồng vét hết trong túi, anh phải làm tờ cam kết thanh toán thêm 27 triệu đồng cho phòng khám. Cô nhân viên không quên gửi cho anh tờ giấy ghi rõ tên và tài khoản để anh chuyển trả tiền.
Chưa hết, nhân viên phòng khám yêu cầu tái khám, mỗi ngày 1 lần và kéo dài trong 7 ngày. Hỏi chi phí tái khám khoảng bao nhiêu, cô nhân viên cho biết trên dưới 1 triệu đồng. Anh L.D.K. về kể cho bạn bè và người thân nghe, mọi người cho biết Báo SGGP đã từng cảnh báo về chuyện nhiều người bệnh đã bị Phòng khám Đa khoa Thăng Long móc túi như vậy, do vậy anh đã đến Báo SGGP để trình bày vụ việc.
Không riêng anh L.D.K., hầu hết những người bệnh là nạn nhân của Phòng khám Đa khoa Thăng Long đến gặp chúng tôi thuật lại vụ việc đều cho biết chiêu chung để móc túi của phòng khám này là “vẽ bệnh”, khi “cá đã nằm lên thớt” thì bác sĩ mới ra giá, lúc ấy thì nạn nhân không còn đường nào để chạy, chọn giá thấp thì bác sĩ không đảm bảo hiệu quả, chọn giá cao thì không đủ tiền, và rồi phòng khám “mở rộng tấm lòng” bằng cách giữ mọi giấy tờ của bệnh nhân, cho trả sau, với tờ cam kết trả nợ của bệnh nhân.
Đã có nhiều báo phản ánh việc Phòng khám Đa khoa Thăng Long “vẽ bệnh” để móc túi người bệnh. Đó là hành vi phạm y đức và phạm pháp. Vậy tại sao mãi đến nay phòng khám này vẫn ung dung hành nghề với kiểu cách như vậy? Ai đứng sau lưng và vì sao thanh tra y tế chưa kiểm tra xử lý đến nơi đến chốn?