Phòng “giặc lửa” mùa nắng nóng

TPHCM đang trong đợt nắng nóng gay gắt khiến nguy cơ cháy nổ gia tăng, nhất là ở các khu dân cư đông đúc, nhà trọ... Dù có nhiều biện pháp phòng ngừa nhưng nguy cơ cháy nổ vẫn hiện hữu, nhất là từ sự bất cẩn hay vi phạm quy định phòng chống cháy nổ của người dân.

Chưa quan tâm đúng mức

Khu vực cầu Nguyễn Xuân Ôn bắc qua rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh, TPHCM) ngập tràn rác. 12 giờ trưa, trời nắng gay gắt khiến mặt nước bốc lên nồng nặc mùi rác thải. Cạnh đó là dãy phòng trọ với bề ngang lối đi chỉ khoảng 5 gang tay người lớn. Khắp nơi tối mù, ánh sáng duy nhất phát ra từ khoảng không cuối dãy trọ, nơi nhìn ra con rạch Xuyên Tâm.

J4b.jpg
Nguy cơ cháy nổ từ những dãy nhà ven kênh rạch vào mùa nắng nóng tăng cao. Ảnh: THU HOÀI

Bà Nguyễn Thị Kim Anh (sinh năm 1973, ngụ TPHCM) sống cùng con trai trong khu trọ này với giá thuê 50.000 đồng/ngày. Căn phòng dựng lên thô sơ bằng gạch đỏ, không tráng xi măng, có một vách tường dựng tạm bằng tôn. Trước cửa phòng, lối đi làm bằng những tấm ván đã dần mục nát, nhìn được cả phía dưới. Nhà vệ sinh và nhà tắm đặt sát mép sông, được chắp vá bằng những miếng ván mỏng. Trong nhà đặt một bếp ga và dây điện chằng chịt. Việc nấu nướng được thực hiện ngay tại đây. Có lúc, đồ ăn đang nấu nhưng người nấu đi ra ngoài làm chuyện khác...

Bà Kim Anh cùng đứa con trai 10 tuổi đi bán vé số dạo kiếm sống, cuộc sống chỉ tạm đủ qua ngày nên với bà, an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC), nhất là trong sử dụng điện, là một khái niệm còn khá xa lạ.

Người dân xung quanh rạch Xuyên Tâm cũng nhìn nhận, những căn nhà tạm ven kênh đa số chật chội, sàn chủ yếu bằng gỗ, hệ thống dây điện chắp vá nên nguy cơ cháy nổ rất cao. Nhưng khi được hỏi thì ai cũng có chung nỗi niềm: biết có nguy cơ nhưng... hên xui thôi!

Thời tiết nắng nóng gay gắt, không khí oi bức khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao, dẫn đến nguy cơ quá tải các hệ thống điện - một trong những nguyên nhân dẫn đến cháy nổ ở các khu dân cư, nhất là ở các khu phòng trọ công nhân và nhà cấp bốn thiếu các trang thiết bị PCCC.

Vừa tan ca trở về phòng trọ, chị Nguyễn Thị Hải (sinh năm 1988, quê tỉnh Nghệ An) tranh thủ đi chợ mua thức ăn để kịp nấu cơm chiều, không quên mua 2.000 đồng đá lạnh. Căn phòng trọ được vợ chồng chị Hải thuê nằm trong con hẻm ở phường Bình Thuận (quận 7), cách chỗ làm hơn 3km. Vừa về đến phòng trọ, việc đầu tiên chị Hải làm là bật quạt, mở tung hết cửa sổ và mở tủ lạnh lấy ly nước mát. Căn phòng có diện tích khoảng 15m2, có gác xép thấp, chỉ có 1 cửa chính, 1 cửa sổ.

“Nóng kinh khủng, bình thường vợ chồng tôi ngủ trên gác xép, từ mấy tháng nay đã phải chuyển xuống nhà dưới để ngủ, có khi chồng tôi còn không nằm nệm mà nằm luôn giữa sàn nhà cho mát. Trên gác nóng hầm hập như lò thiêu, đến cái lan can cũng tỏa ra hơi nóng”, chị Hải chia sẻ.

Không giấu sự lo lắng, chị Hải cho biết thêm, nhà có 2 cây quạt điện thì thường xuyên mở hết công suất cả 2. Có mấy hôm thấy ngắt điện đột ngột nửa đêm, rờ vào thì thấy quạt rất nóng, cũng lo lo mà trời nóng quá nên thôi, cứ liều bật lại quạt xài tiếp đến sáng...

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM, đã trao đổi với lãnh đạo quận 3, huyện Củ Chi… về tình hình nắng nóng diễn biến gay gắt thời gian qua.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Lệ, các địa phương cần tập trung bảo đảm công tác PCCC, cứu nạn cứu hộ tùy theo đặc thù địa bàn mình (huyện Củ Chi có nhiều cây cỏ, nhà xưởng; quận 3 có nhiều nhà cao tầng...), tránh không để xảy ra vụ cháy đáng tiếc nào.

Đồng thời khuyến khích các địa phương đẩy mạnh mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, trang bị đầy đủ trang thiết bị và ứng phó kịp thời mọi tình huống phát sinh.

Nâng cao công tác PCCC mùa nắng nóng

Dù các quy định về PCCC, cứu nạn cứu hộ hiện nay đã khá chặt chẽ, cơ quan chức năng cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhưng thực tế rất khó để đảm bảo an toàn PCCC tuyệt đối tại các khu nhà trọ, nhà cấp bốn... ở nhiều quận, huyện.

Các vụ cháy với những nguyên nhân khác nhau, gây thiệt hại về tài sản nhưng có một điểm đáng ghi nhận là công tác chữa cháy tại chỗ đã được người dân thực hiện đúng, giúp bảo vệ tài sản và ngăn ngừa cháy lan hiệu quả. Một số mô hình về PCCC phát huy tác dụng (như “Tổ liên gia an toàn về PCCC”), công tác tuyên truyền, thực tập chữa cháy được đẩy mạnh.

Bà Trần Thị Thanh (người dân sống ở khu vực rạch Xuyên Tâm, quận Bình Thạnh) cho biết, người dân ở đây nấu nướng bằng bếp gas để tiết kiệm nên mùa nắng nóng rất lo lắng về nguy cơ cháy nổ.

“Dễ cháy lắm, nhà gỗ nên nếu cháy là cháy lan như bên quận 8, khó dập. Mấy cái hẻm ra vô nhỏ nên chạy thoát thân cũng chậm. Nhưng mình sống chung với cảnh này thì mình phải chịu, sau vụ cháy ở quận 8, ai cũng lo lắng. Mấy cán bộ trên phường với công an xuống tuyên truyền liên tục, tụi tui cũng nghe và làm theo, thậm chí còn mua cả bình chữa cháy mini phòng nữa”, bà Thanh nói.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (PC07), Công an TPHCM, cho biết, thời tiết miền Nam đang ở giai đoạn hanh khô, nắng nóng gay gắt, nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Những vụ cháy, nổ gần đây đều xuất phát từ tình trạng chập điện gia tăng, không chỉ ở TPHCM.

Qua vụ cháy ở quận 8 và các quận, huyện khác trên địa bàn TPHCM đã cho thấy thêm một thực tế là cần đặc biệt lưu ý đến những dãy nhà trọ công nhân lụp xụp và các dãy nhà ven kênh dựng bằng vật liệu tạm bợ, dễ cháy nổ. Trong quý 1-2024, Phòng PC07, Công an TPHCM đã điều động lực lượng và xuất xe đi chữa cháy kịp thời hàng chục vụ cháy cỏ, rác, không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Nguyên nhân gây cháy được xác định là do người dân hút thuốc, đốt rác, đun nấu, đốt nhang…

Trước tình hình cháy, nổ có diễn biến khá phức tạp, Phòng PC07, Công an TPHCM khuyến cáo người dân khi ra khỏi nhà cần quan sát, khóa van gas, ngắt cầu dao điện; không đốt vàng mã trong nhà; không tự ý câu mắc điện; cần thay mới, sửa chữa các thiết bị điện, hệ thống điện xuống cấp, hư hỏng; cần trang bị bình chữa cháy xách tay trong nhà…

Bên cạnh đó, công an các địa phương cần kiểm tra các phương án chữa cháy, tình trạng hoạt động của lực lượng, phương tiện chữa cháy tại chỗ, đặc biệt ở các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao. Đồng thời tiếp tục triển khai xây dựng phong trào toàn dân PCCC với mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng”.

Hiệu quả PCCC từ hơn 4.000 "Tổ liên gia an toàn PCCC"

Mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” tại các khu dân cư đã phát huy được hiệu quả công tác chữa cháy bước đầu, góp phần nâng cao ý thức người dân trong PCCC, cứu nạn cứu hộ.

Theo thống kê, đến nay trên địa bàn TPHCM đã vận động xây dựng được hơn 4.000 “Tổ liên gia an toàn PCCC” và gần 3.900 “Điểm chữa cháy công cộng”. Kinh phí tổ chức thực hiện do địa phương hỗ trợ và người dân tự trang bị, lắp đặt.

Theo đại diện Công an quận 5, ngoài việc nắm bắt thông tin, tình hình liên quan đến công tác PCCC, cứu nạn cứu hộ để kịp thời phản ánh với các cơ quan chức năng đưa ra những biện pháp xử lý, mô hình còn gắn kết tinh thần đoàn kết giữa các hộ gia đình tham gia và nhân dân trong tổ dân phố, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC, cứu nạn cứu hộ.

Qua đó, số vụ cháy dần được kéo giảm trên địa bàn. Đồng thời, các vụ cháy nhanh chóng được các “Tổ liên gia an toàn PCCC” trên địa bàn xử lý.

Tin cùng chuyên mục