Phải tuân thủ 5K
Tại chợ Tân Chánh Hiệp (đường Tô Ký, quận 12), lối vào chợ được chia 2 luồng, khu vực cổng chợ lắp thêm máy đo nhiệt độ, rửa tay tự động để phục vụ người dân. Tuy nhiên, lượng người đến chợ mua sắm khá vắng.
Chị Nguyễn Thị Hải, tiểu thương tại chợ, cho biết: “Tôi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 nên an tâm buôn bán. Ban quản lý chợ bố trí, lắp vách ngăn chống dịch nên cũng khá yên tâm khi trao đổi mua bán”.
Ở chợ Ngã Ba Bầu (huyện Hóc Môn), không khí mua sắm khá vắng vẻ, một số quầy bán thịt cá vẫn chưa mở bán, không nhiều mặt hàng nên lượng người dân đến mua rất ít, giá cả được niêm yết công khai. Các quầy kệ đều được ban quản lý chợ lắp vách ngăn phòng chống dịch bằng tấm nhựa trong, không gian thông thoáng, đảm bảo an toàn. Khách hàng vào mua sắm đều được đo thân nhiệt và tuân thủ 5K. Đại diện Ban quản lý chợ Ngã Ba Bầu cho biết, tất cả tiểu thương trong chợ đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, có kết quả âm tính trước khi vào buôn bán trở lại.
Tương tự, tại chợ Gò Vấp (quận Gò Vấp), chợ Hòa Hưng (quận 10), khách vào mua sắm cũng thưa thớt, mặc dù công tác phòng chống dịch tại chợ được chú trọng, có lắp vách ngăn phòng chống dịch. Ở chợ Gò Vấp, nhiều quầy kệ bán thịt, cá vẫn còn bỏ trống. Ban quản lý chợ cho biết, tất cả tiểu thương trong chợ đã được tiêm 2 mũi vaccine, xác nhận test nhanh âm tính với Covid-19.
Tại chợ Bình Thới (quận 11), các quầy sạp đã mở bán hơn 70% nhưng vẫn khá vắng, sức mua của người dân chưa cao. Tiểu thương Võ Thị Oanh cho biết đã bán lại gần 1 tháng nay, tuy nhiên lượng khách không nhiều do còn tâm lý e ngại việc đi chợ. Theo Ban quản lý chợ Bình Thới, tỷ lệ tiểu thương tại chợ đã tiêm 2 mũi vaccine đạt trên 90%, và các quầy sạp đã mở bán được hơn 70%.
Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) đã phục hồi 40% lượng tiểu thương buôn bán. Tình hình buôn bán tại đây cũng khá ế ẩm, do người mua còn dè dặt. Toàn bộ hộ kinh doanh ở đây đều gắn màng chắn, tiểu thương phải tiêm 2 mũi vaccine, hoặc khỏi bệnh Covid-19 theo thời gian quy định.
Vận động tiểu thương vào chợ để phòng dịch
Trái ngược với sự thưa vắng ở chợ truyền thống, các chợ tự phát mọc ven đường, chợ tạm ở nhiều quận huyện trên địa bàn TPHCM lại đông đúc, tấp nập. Nhiều nơi người mua, người bán túm tụm không đảm bảo an toàn phòng dịch. Đa phần các tiểu thương buôn bán tại những khu chợ này không được kiểm soát, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Khu vực đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10, đoạn trước cổng chợ Hòa Hưng), nhiều người dân lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để bán hàng rong, hình thành chợ tự phát suốt nhiều năm qua. Khu vực đường Thống Nhất (quận Gò Vấp) cũng tồn tại chợ tự phát, giờ tan tầm nhiều người dân trao đổi mua bán không đảm bảo an toàn phòng dịch, gây mất mỹ quan đô thị.
Ông Bùi Văn Hùng, Phó trưởng Ban quản lý chợ Gò Vấp, nhận định, chợ tự phát mọc ngày càng nhiều là nguyên nhân chính khiến chợ truyền thống thưa vắng khách mua sắm. “Ban quản lý cũng thường xuyên vận động tiểu thương quay lại chợ buôn bán để đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị, nhưng nhiều tiểu thương vẫn còn e ngại, do dự. Tâm lý người dân thường chọn chợ tự phát để mua bán vì không mất nhiều thời gian, không phải gửi xe. Mong chính quyền địa phương có biện pháp sớm dẹp chợ tự phát để đảm bảo an toàn phòng chống dịch”, ông Hùng cho biết.
Theo bà Lương Thị Trang Nhung, Trưởng ban Quản lý chợ Ngã Ba Bầu, các chợ tự phát, điểm bán thực phẩm tại nhà dân khiến chợ truyền thống ngày càng vắng khách, vì không đảm bảo doanh thu nên một số tiểu thương chưa có ý định quay lại chợ buôn bán.
“Hiện các quầy sạp trong chợ mới mở lại khoảng 30%. Do doanh thu không đảm bảo, nhiều tiểu thương đã bỏ ra chợ tự phát buôn bán. Ban quản lý chợ thường xuyên vận động tiểu thương quay vào chợ để tiếp tục kinh doanh, nhưng vẫn không ăn thua. Theo thống kê, lượng khách đến chợ giảm 70% so với thời điểm trước dịch”, bà Nhung nói.
Ông Huỳnh Thanh Trường, Trưởng ban Quản lý chợ Bà Chiểu, cho biết, đã xây dựng kế hoạch xử lý các tình huống trong trường hợp có F0, chuyển mục đích sử dụng phòng làm việc của trưởng ban làm khu vực cách ly tạm thời cho ca mắc Covid-19 nếu phát hiện tại khu vực chợ. Mục đích là phòng dịch cho tiểu thương và người dân nên mong muốn bà con vào mua bán trong chợ để đảm bảo an toàn.