PV Báo SGGP đã trao đổi với bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Chủ tịch UBND quận 7 (ảnh), xung quanh vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: Thưa bà, quận 7 có rất nhiều người nước ngoài cư trú, trong đó có cả những người từ vùng dịch trở lại sinh sống sau tết. Vậy chính quyền làm cách nào kiểm soát, phòng dịch Covid-19?
Bà BÙI THỊ NGỌC HIẾU: Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chúng ta cũng không thể nói trước được, chỉ biết thận trọng hết mức có thể, với quyết tâm phòng dịch của toàn hệ thống chính trị. Địa bàn quận 7 có hơn 22.000 người nước ngoài sinh sống, lao động và học tập, ngay từ khi có những ca nhiễm đầu tiên ở nước ta, chúng tôi đã thực hiện các giải pháp: tuyên truyền phòng dịch đến từng hộ dân, từng chung cư, từng khu dân cư; kiểm soát người đến cư ngụ tại từng khu vực; đo thân nhiệt, sát khuẩn tay nhanh tại các khu chung cư, khu thương mại, quán ăn…
Tất cả mọi người đều hợp tác, tuân thủ và khai báo đúng, đầy đủ. Đối với các phường trọng điểm có đông người nước ngoài, xây dựng mỗi phường 20 đội nhóm phản ứng nhanh. Các phường còn lại mỗi phường thành lập từ 1-2 đội nhóm phản ứng nhanh, tổng cộng có gần 50 đội nhóm trong toàn quận, tiến hành khảo sát toàn bộ số người nước ngoài mới nhập cảnh đến cư trú trên địa bàn; hướng dẫn họ kê khai y tế, tự phòng dịch, kiểm soát để tránh sót lọt những trường hợp về từ vùng tâm dịch.
Qua đó, đã rà soát và phát hiện 67 trường hợp cần cách ly tập trung hoặc giám sát tại nhà. Những lúc cao điểm phải nhận các ca từ sân bay về sàng lọc cách ly, các bạn đã phải thức trắng đêm để nhận người, thực hiện tờ khai y tế, giám sát dịch tễ, sàng lọc và đưa họ về tận nhà để giám sát.
Thực tế nước ta đã có những người coi thường sức khỏe người khác, đã bị lây nhiễm bệnh mà không khai báo trung thực, không thực hiện cách ly nghiêm ngặt, trở thành hiểm họa cho cộng đồng. Theo bà, cần có giải pháp gì để ngăn chặn, xử lý những trường hợp như vậy?
Chúng ta có Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Luật Xử phạt vi phạm hành chính và Bộ luật Hình sự đã có quy định rõ chế tài xử lý đối với các hành vi này. Tôi nghĩ, nếu gặp những trường hợp thiếu ý thức phòng dịch và bất hợp tác, tất nhiên phải thực thi đúng quy định pháp luật để đảm bảo tính nghiêm minh, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, cũng là bảo vệ sức khỏe cho chính người vi phạm. Khi bệnh nhân đang còn bệnh, việc trước mắt là phải chữa trị cho hết bệnh, sau đó, các cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền.
Quận 7 thực hiện việc cách ly các trường hợp nghi nhiễm như thế nào? Việc cách ly, điều trị cho người nhiễm ở đâu?
Hiện quận 7 có 2 khu cách ly tập trung tại Trung tâm Hướng nghiệp - Dạy nghề quận 7 (quy mô 150 giường), và Khu cách ly Kiểm soát dịch và điều trị (tại khu bệnh viện cũ của quận, quy mô 100 giường). Mỗi người bị cách ly được cung cấp đầy đủ các vật dụng cá nhân (quần áo, nước sát khuẩn nhanh, bàn chải, khăn mặt…) và được cung cấp suất ăn miễn phí, mức 120.000 đồng/ngày.
Đối với người cách ly giám sát tại nhà thì cá nhân tự chi trả chi phí; quận yêu cầu các ban quản lý chung cư giúp họ đặt đồ ăn bên ngoài, không để họ di chuyển khỏi nhà và tiếp xúc người khác trong thời gian cách ly.
Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định: Người về từ vùng dịch có biểu hiện của bệnh dịch mà không khai báo y tế, không thực hiện thủ tục cách ly theo quy định, là không tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng và chống bệnh truyền nhiễm, thì sẽ bị xử phạt hành chính. Nếu gây dịch bệnh dẫn đến phải công bố dịch hoặc làm chết 2 người trở lên, sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, bị phạt tù từ 5 đến 12 năm. |