Không đeo khẩu trang nơi công cộng
Tại chợ tự phát trên đường Phạm Văn Bạch (quận Gò Vấp) vào giờ tan tầm, người mua kẻ bán nhộn nhịp, các quầy kệ san sát nhau, không đảm bảo khoảng cách an toàn. Dạo qua Công viên Lê Thị Riêng (quận 10), Công viên Tao Đàn (quận 1), Công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), Công viên Gia Định (quận Phú Nhuận)… có không ít người dân tụ tập từng nhóm, không đeo khẩu trang, nói cười rôm rả. Hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng cũng phổ biến ở nhiều con hẻm, khu phố đông người dân. Tại phố đi bộ Nguyễn Huệ vào buổi tối, nhiều bạn trẻ ngồi thành nhóm, kéo khẩu trang xuống chỉ để nói chuyện, chụp hình, hút thuốc…
Tại quán chay T. (đường Phổ Quang, quận Tân Bình), thực khách ngồi gần kín chỗ. Vì lượng khách quá đông, quán không thể kiểm tra khai báo y tế, không yêu cầu khử khuẩn. Nhiều nhóm khách ngồi san sát nhau vui vẻ cười nói, phà khói thuốc lá mù mịt. Tương tự, tại một quán cà phê C.H. trên đường Hoàng Sa (quận 3), khách hàng ra vào khá thoải mái, không cần phải rửa tay sát khuẩn, trình thẻ xanh Covid-19 hay khai báo y tế. Khu vực bên trong quán bàn ghế cũng không đảm bảo khoảng cách an toàn.
Tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở
Bên cạnh người dân, hàng quán vi phạm vẫn có nhiều nơi thực hiện tốt, tuân thủ các quy định phòng chống dịch. Ghé vào quán cà phê Phúc Long trên đường Mạc Đĩnh Chi (quận 1) nhiều khách hàng mang khẩu trang, tự giác xếp hàng, khử khuẩn tay và chủ động chọn những bàn cách xa những bàn khác để ngồi làm việc.
Đến quán cà phê Highlands trên đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh), chúng tôi ghi nhận công tác phòng chống dịch tại quán khá tốt, nhân viên và khách hàng vào quán đều thực hiện nghiêm túc quy định 5K của Bộ Y tế… Quán trà August Tea, đường Nguyễn Trãi (quận 1) cũng chủ động cắt giảm số lượng bàn ghế, sắp xếp giãn cách, dán mã QR ở trước cửa quán để khách hàng dễ dàng nhìn thấy. Chị Trần Thị Thương, chủ quán trà August Tea cho biết: “Khách vào quán bắt buộc phải khai báo y tế, khử khuẩn, trình thẻ xanh và ngồi giãn cách giữa các bàn. Toàn bộ nhân viên quán cũng được tiêm đủ 2 mũi vaccine, đeo khẩu trang trong quá trình phục vụ để đảm bảo an toàn trước tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp”.
Hiện TPHCM đã cho phép nhiều hoạt động vui chơi giải trí, kinh doanh, dịch vụ được hoạt động trở lại, nhưng phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chí phòng chống dịch. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra nhắc nhở, tuyên truyền, hướng dẫn người dân kinh doanh buôn bán và tham gia các hoạt động vui chơi công cộng an toàn, đảm bảo công tác phòng chống dịch theo đúng quy định.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó chủ tịch UBND phường 1, quận Gò Vấp, phường thường xuyên ra quân kiểm tra, nhắc nhở các hàng quán chấp hành các biện pháp phòng chống dịch, toàn bộ nhân viên đều phải được tiêm vaccine, tuân thủ biện pháp 5K, chấp hành tốt các quy định phòng chống dịch. Đồng thời, phường cũng kiên quyết xử phạt các hàng quán vi phạm.
Ngày 23-11, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã ký văn bản khẩn về việc tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, thời gian gần đây số ca mắc mới ở TP Thủ Đức và các quận, huyện đều có xu hướng tăng, nhất là tại TP Thủ Đức, quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, huyện Bình Chánh và Hóc Môn. UBND TPHCM giao TP Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo phường, xã, thị trấn thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 của Chính phủ, Quyết định 4800 của Bộ Y tế và Quyết định 3900 của UBND TP, đảm bảo thống nhất, phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương, không cục bộ, “cát cứ” hoặc ban hành quy định vượt quá mức cần thiết. Các quận, huyện phải chủ động xây dựng kịch bản kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đáp ứng với các tình huống dịch trên địa bàn; lấy người dân là trung tâm, chủ thể và lấy cơ quan, đơn vị, địa phương là nền tảng để chống dịch. Các địa phương cũng phải tăng cường kiểm soát chặt di biến động dân cư, nắm tình hình người dân ra, vào địa bàn, người có nguy cơ đang lưu trú, làm việc tại địa phương, doanh nghiệp, gồm: lái xe, phụ xe đường dài, liên tỉnh; người làm việc ngoài tỉnh về địa phương lưu trú, người lưu trú ngoài tỉnh về địa phương làm việc… Từ đó có biện pháp quản lý phù hợp, khai báo y tế thường xuyên. |