Phòng chống tham nhũng, tiêu cực - Nhiệm vụ cấp bách và cần kíp - Bài 2: Kiểm soát quyền lực - thanh bảo kiếm quan trọng

Với 464 trang, tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (gọi tắt là tác phẩm) đã lựa chọn, tập hợp và đúc kết từ 29 bài viết, bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong tác phẩm, đồng chí Tổng Bí thư đã dành một thời lượng lớn bàn về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) trong đội ngũ cán bộ, đảng viên - một nhiệm vụ cấp bách và cần kíp trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt Nam.

Cán bộ chủ chốt quận 12 học tập tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: SONG ANH
Cán bộ chủ chốt quận 12 học tập tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: SONG ANH

Nghiên cứu tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có thể rút ra những luận điểm liên quan đến PCTNTC, cụ thể:

Thứ nhất, Tổng Bí thư đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó vấn đề PCTNTC được xác định là nhiệm vụ cốt lõi, cấp bách và sống còn. Nếu toàn bộ tác phẩm có 29 bài viết bàn về những nội dung cơ bản trong quá trình xây dựng CNXH, thì toàn bộ 29 bài viết đều chứa đựng sự quan tâm của Tổng Bí thư về đạo đức, nhân cách của đội ngũ cán bộ đảng viên mà trọng tâm là PCTNTC. 

Thứ hai, xuyên suốt toàn bộ những bài viết trong tác phẩm, có thể thấy “mặt trận” đấu tranh PCTNTC trong Đảng ta thời gian qua là một cách làm khoa học, dân chủ, thể hiện tầm nhìn, quyết tâm hoàn thiện thể chế vận hành trong Đảng và là thước đo về hiệu quả hành động của Đảng. Với Tổng Bí thư, vấn đề không chỉ ở quyết tâm chống: không sợ sệt; đối tượng chống: rõ ràng, đúng, trúng; phương châm chống: kiên định, không dao động, nửa vời mà còn là ở nghệ thuật chống: bước đi phù hợp, hiệu quả và lực lượng chống: mạnh mẽ, kiên quyết, kiên tâm và đông đảo…

Thứ ba, qua những bài viết liên quan đến đấu tranh PCTNTC trong tác phẩm, Tổng Bí thư đã chỉ rõ những lĩnh vực, hành vi, đối tượng tham nhũng, tiêu cực, từ đó phản ánh rõ nét tính chất nguy hiểm của hành vi này trong quá trình xây dựng CNXH.

Theo đó, tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên thời gian qua thuộc nhiều lĩnh vực (chứng khoán, trái phiếu, đất đai, y tế, ngoại giao…), thậm chí thuộc những lĩnh vực bí mật, được cho là “vùng cấm, nhạy cảm”, chủ yếu là cán bộ cấp cao, hành vi rất nghiêm trọng, liên quan đến tài sản rất lớn. Mặt khác, tham ô, tham nhũng không còn riêng lẻ, mà mang tính chất tập thể, có tổ chức, cấu kết chặt chẽ, tinh vi. Trong nhiều vụ án, đặc biệt trong đại án Việt Á, sự cấu kết, thông đồng của nhiều cơ quan có thẩm quyền (y tế, khoa học công nghệ, quân đội…) cùng với doanh nghiệp “bắt tay”, hình thành “liên minh ma quỷ” để nâng giá, trục lợi trên nỗi đau sinh mệnh của đồng bào. 

Những “đại án” đó là minh chứng về sự nguy hiểm trong cuộc cấu kết giữa quyền lực chính trị tha hóa và quyền lực kinh tế lũng đoạn, là hồi chuông báo động sự suy thoái diễn ra công khai, nhiều người, nhiều ban ngành cùng liên quan…

Thứ tư, những bài viết của Tổng Bí thư trong tác phẩm thể hiện rõ nét, khẳng định công tác PCTNTC trở thành một trong những dấu ấn nổi bật với những kết quả quan trọng, rõ rệt, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao(1)  và quốc tế ghi nhận.

Theo Tổng Bí thư, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt, không để oan sai, không bỏ lọt tội phạm. Hình phạt đối với các bị cáo phạm tội tham nhũng là sự cảnh báo nghiêm khắc cho sự lạm dụng quyền lực xâm phạm lợi ích của Nhà nước và nhân dân. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước và các vụ án xảy ra trong ngành, lĩnh vực được cho là “vùng cấm, nhạy cảm” được tập trung chỉ đạo điều tra, làm rõ bản chất chiếm đoạt, vụ lợi; xử lý nghiêm minh, công khai, kể cả cán bộ cao cấp, đương chức hay nghỉ hưu… Những kết quả đó đã để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Thứ năm, bên cạnh việc chỉ rõ những kết quả đặc biệt quan trọng của công tác đấu tranh PCTNTC, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn chỉ ra những nhận thức không đúng, không trúng trong quá trình thực thi mặt công tác này.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, không phải như một số ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ làm giảm sự đổi mới, sáng tạo, làm “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và làm “chậm” sự phát triển đất nước. Ngược lại, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Mặt khác, chính sự quyết liệt, kiên trì, không chỉ là một “cao trào”, không thể “chững lại” và “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào” đã góp phần “đấu tranh phản bác luận điệu của các thế lực thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”(2). 

Sáu là, đọc những bài viết trong tác phẩm, có thể thấy rõ Tổng Bí thư rất chú trọng đến các biện pháp nhằm đấu tranh PCTNTC hiệu quả, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc sử dụng yếu tố “xây” và “chống” trên trận tuyến cam go này.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chúng ta không chỉ chống mà lâu dài cần phải xây. Chống tham nhũng, tiêu cực phải làm quyết liệt, xảy ra thì phải chống, nhưng không phải cứ nhăm nhăm chống, mà quan trọng là phải xây để ngăn ngừa, răn đe. Ai trót nhúng chàm rồi thì tự gột rửa đi. Như thế là tốt nhất. Không phải cứ xử tử, hay chung thân mới là kết quả tốt. Cái chính là người đó phải nhận ra sai lầm, phải thu hồi được tài sản, không để thất thoát…”(3).

Qua các vụ án tham nhũng, mất mát tiền bạc, vật chất đã đau xót, nhưng mất mát con người, mất mát niềm tin còn đau xót hơn nhiều, vì vậy phương cách phòng ngừa, ngăn chặn, gột rửa trong từng con người là phương cách khả dụng, cực kỳ hữu hiệu. Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng, hình thành và sử dụng tốt các cơ chế kiểm soát quyền lực. Trong tác phẩm, cụm từ “kiểm soát quyền lực” đã được nhắc lại rất nhiều lần, xem đó là “thanh bảo kiếm” tối quan trọng trong đấu tranh PCTNTC.

Đặc biệt, trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”(4), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định mong mỏi, nguyện vọng và mục tiêu chính đáng của dân tộc Việt Nam: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người… Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm… Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”.

Thông điệp trên đã khẳng định, CNXH là hiện thân của chủ nghĩa nhân đạo được xây nền, rọi sáng bởi những giá trị văn hóa có tính khai sáng của nhân loại. Đây là hệ giá trị mà sự tu dưỡng đạo đức của toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên và một tinh thần kiên quyết đấu tranh PCTNTC có ý nghĩa quyết định.

----------------------------------
(1) Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện mới đây, tuyệt đại đa số ý kiến người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.

(2) Tài liệu đã dẫn, tr.401.

(3) Bài phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri tại đơn vị bầu cử số 1 (quận Ba Đình, Hoàn Kiếm) sáng 13-5-2018, https://laodong.vn/thoi-su/ai-trot-nhung-cham-roi-thi-tu-got-rua-di-khong-phai-cu-xu-tu-hay-chung-than-moi-la-tot-606775.ldo.

(4) Bài viết nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 -  19-5-2021) và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, ngày 15-5-2021.

Tin cùng chuyên mục