Tỉnh táo đề phòng và kiên quyết tiêu diệt
Sự lựa chọn mục tiêu phát triển của Việt Nam, xét từ mọi góc độ, không nằm ngoài xu thế tất yếu của nhân loại tiến bộ. Đây là một tiến trình lựa chọn của lịch sử. Những năm đầu thế kỷ XX, “câu hỏi về vận mệnh của dân tộc vẫn treo trước nhiều thế hệ người Việt Nam như một thách thức sinh tử”(1). Nhưng suốt thế kỷ XX và những thập niên đầu của thế kỷ XXI, một tất yếu, một nhu cầu càng trở nên khách quan, thường trực đối với sự phát triển tương lai của Việt Nam là cần phải đẩy tới một cách mạnh mẽ, vững chắc cả về quy mô, tốc độ và chiều sâu sự nghiệp đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH).
Rõ ràng, sự lựa chọn mục tiêu tiến lên CNXH của Đảng và nhân dân ta, xét về logic là một tất yếu khách quan. Xét về lịch sử, là hoàn toàn phù hợp với sự vận động của cách mạng Việt Nam, với xu thế phát triển của thời đại và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân lao động Việt Nam. Đây là chân lý đã được thử thách và minh định trong thực tiễn đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam hơn 90 năm qua, nhất là qua 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Trong tiến trình, sự nghiệp vĩ đại đó, toàn Đảng, toàn dân đã phát huy được tinh thần yêu nước, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, ý chí quyết tâm, bản lĩnh, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu rất quan trọng, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(2).
Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên CNXH của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Trong tiến trình xây dựng CNXH ở Việt Nam, một vấn đề mang tính khách quan là, cần có sự thống nhất về nhận thức, sự đồng tâm về tư tưởng, sự tỉnh táo và đúng đắn trong việc xử lý các cảnh huống (được coi là các tình huống gay go và phức tạp). Đặc biệt, việc khắc phục và ngăn ngừa những khuynh hướng tự phát, vô chính phủ, nhất là chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa thực dụng mà biểu hiện rõ nhất là tham nhũng, tiêu cực là vấn đề vừa mang tầm chiến lược, vừa có tính thời sự, cấp bách, đúng như ông cha ta đã từng nói: “Mất niềm tin là mất hết! Nếu lòng tin nơi đồng sự với nhau, nơi muôn dân với cán bộ, với thể chế bị đánh cắp, thật không còn gì nguy hiểm hơn”(3).
Trong tờ Quốc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký và ban hành năm 1946, với mục đích “cho quân dân biết rõ những tội nên tránh, những việc nên làm”(4), có ghi rõ: “Trộm cắp của công sẽ bị xử tử”(5). Năm 1965, tại Hội nghị Bồi dưỡng chỉnh huấn do Trung ương triệu tập, Người tiếp tục cảnh báo: “Trong hàng chục vạn cán bộ và đảng viên xứng đáng, còn lẫn vào một số người thấp kém về tinh thần và đạo đức cách mạng. Họ còn mang nặng chủ nghĩa cá nhân trong mình”(6). Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, đó là những người “coi Đảng như một cái cầu thang để thăng quan phát tài. Họ không quan tâm đến đời sống của nhân dân mà chỉ lo nghĩ đến lợi ích của riêng mình... Họ tự cho mình có quyền sống xa hoa hưởng lạc, từ đó mà đi đến tham ô, trụy lạc, thậm chí sa vào tội lỗi”(7). Vì vậy, họ chính là “kẻ thù nguy hiểm mà mỗi người chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo đề phòng và kiên quyết tiêu diệt”(8).
Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt
Tại Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1-1994), Đảng ta cảnh báo nghiêm khắc một trong những nguy cơ trong quá trình xây dựng CNXH là “nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội”(9).
Trong báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng cũng khẳng định: “Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội”(10). Nhận định đó thể hiện sự cảnh tỉnh, đánh giá đúng tầm của nguy cơ tham nhũng, tiêu cực.
Để vượt qua nguy cơ này, điều tiên quyết là phải nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, tính gương mẫu của đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, đồng thời nâng cao năng lực lãnh đạo cầm quyền của Đảng, kiên quyết và kiên trì trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Có thể khẳng định, bằng quyết tâm và sự đồng thuận với phương châm “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, của cả hệ thống chính trị, mặt trận đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam thời gian qua đã đạt được những kết quả hết sức nổi bật.
Trên cơ sở những dấu ấn nổi bật đó, phát huy kết quả và rút kinh nghiệm về công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng trong các giai đoạn trước, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, và thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Tham nhũng từng bước đã được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta.
Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây, đại đa số ý kiến của người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, khiến cho mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực xấu, thù địch đều trở nên trơ trẽn, nực cười”(11).
Kết quả đó còn vừa là thành công lớn trong công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian qua, vừa khẳng định chỉ trong đấu tranh và công tác hàng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, tin vào Đảng và một lòng theo Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo. Đây là phương châm cầm quyền của Đảng. Đặc biệt, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả là sự định vị vị thế, là lòng tin chính trị mang tầm chiến lược trong quá trình hội nhập với thế giới đương đại.
Theo số liệu công bố tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012-2022 và định hướng hoạt động cho giai đoạn tới, trong giai đoạn 2012-2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, 29 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. |
(1) Nhị Lê, Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - Lôgíc đổi mới và phát triển, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.20.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tập 1, NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.25.
(3) Nhị Lê, Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - Lôgíc đổi mới và phát triển, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.452.
(4) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.189.
(5) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.189.
(6) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.468.
(7) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.469.
(8) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.469.
(9) Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (20 - 25-1-1994), https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-vii/hoi-nghi-dai-bieu-toan-quoc-giua-nhiem-ky-khoa-vii-20-2511994-15.
(10) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tập 1, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.94.
(11) Phát biểu kết luận của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020.