Ngăn ngừa đến 98% nguy cơ lây nhiễm
Hơn 6 tháng nay, anh Lương Công Lý (24 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) biết đến và sử dụng PrEP như một biện pháp phòng ngừa nguy cơ nhiễm HIV cho mình. Có bạn tình là nam giới, trước đó, Lý luôn nơm nớp lo sợ mình có thể bị nhiễm HIV.
“Dù khá kỹ trong phòng ngừa nhưng mình vẫn rất lo. Gần đây, mình được bạn bè giới thiệu và biết đến PrEP, và quả thật là yên tâm hơn hẳn, bởi thông tin mình được biết PrEP có thể phòng ngừa đến 98% nguy cơ lây nhiễm”, anh Lý chia sẻ.
Cũng biết đến PrEP thông qua các hoạt động trong cộng đồng những người đồng tính, Trần Nguyễn Đăng Khoa (25 tuổi, ngụ quận 9) lựa chọn uống PrEP mỗi ngày để bảo vệ bản thân. Dù biết đến PrEP chỉ mới 3 tháng, nhưng Khoa hoàn toàn hài lòng với hiệu quả mà PrEP mang lại. Khoa chia sẻ: “Ban đầu mình có hơi nghi ngại, lo lắng về những tác dụng phụ của thuốc, nhưng sau khi sử dụng mình không bị buồn nôn hay đau đầu như khuyến cáo, cũng không ảnh hưởng đến công việc khiến mình cảm thấy khá thoải mái”.
Đây chỉ là 2 trong hàng ngàn trường hợp biết đến và sử dụng PrEP như một liệu pháp phòng chống lây nhiễm HIV hiệu quả trong cộng đồng những người đồng tính nam (MSM) tại TPHCM. Dù mới chỉ được cấp phép cung cấp PrEP từ tháng 9-2020 nhưng sau hơn 2 tháng, Phòng khám cộng đồng Alocare (quận Thủ Đức) đã có 240 khách hàng sử dụng biện pháp phòng ngừa này.
Anh Nguyễn Minh Thuận, Giám đốc Phòng khám Alocare, cho biết, ban đầu nhiều bạn trong cộng đồng MSM vẫn còn e ngại với PrEP, nhưng sau khi được tư vấn kỹ càng thì ngày càng có nhiều người tin tưởng, lựa chọn PrEP và đã có những phản hồi tích cực về PrEP. “Nếu như có nguồn thuốc hỗ trợ ổn định, lâu dài, tôi tin chắc rằng đây sẽ là vũ khí lợi hại ngăn ngừa HIV lây lan trong cộng đồng”, anh Nguyễn Minh Thuận nhìn nhận.
Tiếp tục mở rộng
Đánh giá về hiệu quả của PrEP, PGS-TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), nhìn nhận, PrEP giúp giảm 95%-98% khả năng lây nhiễm HIV.
Cụ thể, một nghiên cứu cho thấy, trong 10.000 trường hợp sử dụng PrEP chỉ có 8 người dương tính với HIV, trong khi nếu không được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm, số lượng người nhiễm mới khoảng 700 người. Do đó, hiện nay, PrEP được coi là phương pháp hiệu quả nhất trong việc ngăn ngừa lây nhiễm HIV trong cộng đồng và được Bộ Y tế đưa vào tài liệu “Hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV/AIDS” từ tháng 12-2017.
Những đối tượng được khuyến cáo sử dụng PrEP là những người có nguy cơ lây nhiễm cao như nam giới quan hệ tình dục đồng tính, người chuyển giới nữ, phụ nữ bán dâm, các cặp dị nhiễm (tức là có 1 người vợ hoặc 1 người chồng bị nhiễm HIV). Đặc biệt, phương pháp này an toàn với hầu hết người sử dụng, bao gồm cả phụ nữ mang thai và cho con bú. Chỉ khoảng 10% người sử dụng gặp tác dụng phụ như buồn nôn, chóng mặt, đau đầu... nhưng thường nhẹ và chấm dứt sau 1-2 tuần.
PrEP chống chỉ định với người đã nhiễm HIV, bởi có khả năng gây nguy cơ kháng thuốc cao, người nghi ngờ nhiễm HIV cấp tính và người có chức năng thận không bình thường. PrEP cũng là thuốc có chứa Tenofovir, do đó chống chỉ định với những người dị ứng với thành phần này. Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, trước khi cấp phát PrEP cho bất kỳ ai, các bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm cần thiết.
PGS-TS Phan Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, đánh giá, sự tham gia của khu vực tư nhân và các phòng khám cộng đồng trong việc tư vấn, cung cấp PrEP cùng các dịch vụ liên quan là thành công lớn của chương trình. 72% khách hàng sử dụng PrEP thông qua các phòng khám tư nhân, phòng khám cộng đồng này.
Là một trong những phòng khám cộng đồng tại TPHCM được tiếp cận với PrEP đầu tiên vào tháng 10-2017, sau 3 năm, tại hệ thống 7 phòng khám GLINK trên toàn quốc đã có 3.500 khách hàng đăng ký sử dụng PrEP thường xuyên, trong đó có đến 92% là nam quan hệ tình dục đồng giới.
Để có lượng khách hàng đông đảo này, bác sĩ Lư Trọng Tín, Phòng khám GLINK, chia sẻ, phòng khám đã triển khai nhiều cách thức như đa dạng các kênh truyền thông từ trực tiếp đến trực tuyến, phát triển mạng lưới cộng tác viên tiếp cận, hỗ trợ khách hàng, triển khai thêm nhiều mô hình mới, đặc biệt là cung cấp PrEP lưu động và các dịch vụ theo gói như xét nghiệm HIV, điều trị ARV, dự phòng PrEP...
Tuy nhiên, PGS-TS Phan Thị Thu Hương nhìn nhận, hiện nay việc tiếp cận PrEP ở các vùng nông thôn, miền núi còn nhiều khó khăn. Do đó, trong thời gian tới, Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ phối hợp với các bên liên quan mở rộng cung cấp dịch vụ này bằng nhiều hình thức khác nhau.
Bên cạnh đó, để đảm bảo tài chính cho chương trình, lãnh đạo cục sẽ đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ chi trả PrEP thông qua BHYT, cũng như vận động các nguồn lực xã hội khác nhằm đảm bảo cung cấp nguồn thuốc ổn định, lâu dài, tăng tiếp cận với người có nguy cơ cao lây nhiễm và có nhu cầu sử dụng PrEP. Dự kiến, đến cuối năm 2021 sẽ có khoảng gần 30.000 khách hàng sử dụng PrEP thường xuyên, như một biện pháp bảo vệ khỏi nguy cơ lây nhiễm HIV.
PrEP - thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV được giới thiệu lần đầu tiên tại Việt Nam vào đầu năm 2017, trong khuôn khổ chương trình Prepped for PrEP (P4P) - một chương trình thí điểm do Cục Phòng, chống HIV/AIDS và dự án USAID PATH Healthy Markets phối hợp triển khai. Sau thời gian thí điểm, từ năm 2019, PrEP bắt đầu được đưa vào sử dụng rộng rãi ở nhiều tỉnh thành và đến nay đã có mặt tại 27 địa phương trên cả nước, với hơn 125 cơ sở điều trị (93 cơ sở y tế nhà nước và 32 cơ sở y tế tư nhân). Tính đến tháng 11-2020 đã có 13.000 khách hàng sử dụng PrEP nhằm mục đích phòng ngừa nhiễm HIV. Tại TPHCM, hiện đã có hơn 30 cơ sở triển khai cung cấp PrEP, gồm các phòng khám công lập thuộc trung tâm y tế quận/huyện và các phòng khám cộng đồng do tư nhân lập ra. |