Những năm gần đây, số người thiệt mạng do đuối nước ở Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn ở mức cao. Có vụ gây chấn động vì cùng lúc 4 người tử vong khi tắm biển. Nguyên nhân là bãi biển của Bà Rịa - Vũng Tàu có rất nhiều ao xoáy nguy hiểm, trong đó Bãi Sau của TP Vũng Tàu là nơi tập trung đông du khách nhất, cũng chính là khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước với khoảng 70 ao xoáy trên tổng chiều dài khoảng 10km đường biển.
Tuy nhiên, theo nhận định của cơ quan chức năng, đây không phải là nguyên nhân chính dẫn đến việc du khách bị đuối nước. Anh Trần Hữu Bảo Luyện, Tổ trưởng tổ cứu hộ bờ biển Vũng Tàu, người có hàng chục năm kinh nghiệm trong nghề cấp cứu đuối nước, cho biết, nguyên nhân chính là “ý thức của người dân còn chủ quan lơ là, nhiều người ham vui mải mê tắm biển quên cả cảnh báo; thậm chí có trường hợp say xỉn, lao vào ao xoáy, bẻ gãy cả những cây cờ đen cắm cảnh báo nguy hiểm; nhiều khách lại ưa tắm biển khi trời tối, có trường hợp bật cả đèn pin điện thoại để tắm biển trong đêm...”.
Ngoài những nguyên nhân trên, phần nhiều người dân thiếu kỹ năng bơi lội, nhiều trường hợp lọt ao xoáy nhưng thiếu kiến thức và kỹ năng xử lý nên nhanh chóng bị đuối nước.
Theo ông Nguyễn Khắc Tộ, Giám đốc Ban Quản lý các khu du lịch TP Vũng Tàu, trong 5 tháng qua, lực lượng cứu hộ đã vớt và đưa vào bờ 274 trường hợp lọt ao xoáy khi tắm biển, giảm khoảng 20% - 30% so với các năm trước. Bệnh viện Lê Lợi (TP Vũng Tàu) tiếp nhận 11 trường hợp bị đuối nước phải nhập viện cấp cứu, hầu hết là du khách đến từ TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và một số tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, có 6 trường hợp nguy kịch ngưng tim, ngưng thở và chỉ có 4 trường hợp sống sót. Bệnh viện khuyến cáo, những người không biết bơi nên mặc áo phao và trẻ nhỏ phải được trông coi cẩn thận; người đuối nước ở giai đoạn đầu, khi vớt lên bờ phải thông được đường thở trong thời gian ngắn nhất.
Điều quan trọng trong công tác phòng chống đuối nước là mọi người phải được trang bị những kỹ năng bơi lội ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bơi lội phải được đưa vào là môn học bắt buộc đối với học sinh, nhất là những tỉnh thành có đặc thù gắn với ao, hồ, sông, suối và biển. Bên cạnh đó, cũng cần có những chính sách đặc thù với những người làm công tác cứu hộ cứu nạn. Hiện nay, lực lượng cứu hộ của ban quản lý các khu du lịch ở Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ có 19 người (đa số là người lớn tuổi), mà lượng khách thì tăng ngày một đông. Hai năm qua, ban này không tuyển thêm được một nhân viên cứu hộ nào, vì mức lương chỉ vỏn vẹn hơn 2 triệu đồng/tháng, trong khi công việc rất vất vả.