Bài toán ngân sách
Trong một cuộc phỏng vấn, Tổng giám đốc Hiệp hội Các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm châu Âu, ông Adrian van den Hoven, cho biết, ngành công nghiệp dược phẩm của châu Âu thực sự bận tâm và công khai yêu cầu EC cùng tất cả quốc gia thành viên lên kế hoạch để đối phó với làn sóng thứ 2 rất có thể xảy ra khi châu Âu bắt đầu mở cửa biên giới cho du lịch, dự kiến vào cuối mùa hè.
Cụ thể, chính phủ các nước đang được yêu cầu dự trữ và mua bổ sung thuốc cho các đơn vị chăm sóc tích cực.
Theo ông Adrian van den Hoven, nhiều loại thuốc đang được sử dụng trong điều trị tích cực chỉ được sản xuất khi có nhu cầu cụ thể và dự trữ hầu như cạn kiệt khi các chuyên gia chăm sóc y tế đã sử dụng để điều trị cho bệnh nhân trong đợt dịch đầu tiên. Việc xây dựng kho dự trữ sẽ mất ít nhất 3 tháng, do đó cần phải bắt đầu càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, ông Adrian van den Hoven cảnh báo nhiều nước châu Âu có thể không chuẩn bị cho đợt bùng phát dịch thứ 2 và nhấn mạnh đó là một sai lầm, vì ngành dược đã sản xuất kịp thời trong đợt dịch bùng phát đầu tiên bằng cách sử dụng tất cả kho dự phòng của mình. Hiện tại, các doanh nghiệp dược không còn sản phẩm dự trữ. Nếu muốn bổ sung, họ cần đầu tư lớn và quá trình sản xuất phụ thuộc vào việc đầu tư này. Một khoản đầu tư như vậy sẽ là một gánh nặng đáng kể đối với ngân sách các quốc gia vốn đã rất căng thẳng vì các biện pháp phong tỏa. Tuy nhiên, các công ty dược phẩm không thể bắt đầu bổ sung kho dự trữ mà không có yêu cầu rõ ràng từ phía chính phủ các nước cũng như thông tin về số lượng thuốc mà mỗi quốc gia cần.
Ngành dược phải sẽ tự tính toán xem làn sóng thứ 2 sẽ như thế nào dựa trên 3 kịch bản: thấp, trung bình và cao. Tiếp đó, ngành dược sẽ cung cấp thông tin cho chính phủ các nước và yêu cầu họ chọn kịch bản cũng như lên kế hoạch cho nó. Đó là tất cả những gì hiệp hội có thể làm và không thể ép buộc chính phủ lên kế hoạch.
Một số thuốc bị đình chỉ
Mặc dù hoạt động gây quỹ dành cho công tác nghiên cứu, sản xuất và triển khai vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 để phòng dịch Covid-19 trên quy mô toàn cầu (do EC khởi xướng từ ngày 4-5 cùng với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngành công nghiệp dược và các quỹ từ thiện trên thế giới) đã thu được 9,5 tỷ EUR (10,43 tỷ USD), nhưng vaccine này vẫn đang trong sự trông đợi mòn mỏi của nhân loại.
Trong khi đó, giới chức y tế và chính phủ một số nước đang bất đồng trong việc đưa thuốc vào điều trị Covid-19. Ngày 26-5, WHO đã tạm thời đình chỉ các thử nghiệm lâm sàng đối với thuốc điều trị sốt rét chloroquine và hydroxychloroquine về khả năng điều trị Covid-19 tại một loạt quốc gia.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, quyết định đã được đưa ra sau khi tuần san y khoa Lancet tuần trước công bố một nghiên cứu cho thấy việc sử dụng hydroxychloroquine trên các bệnh nhân Covid-19 có thể làm gia tăng khả năng tử vong của những người này.
Tại Nhật Bản, hãng thông tấn Kyodo cho biết, Chính phủ Nhật Bản đã từ bỏ ý định cho phép sử dụng thuốc Avigan của Fujifilm Holdings Corp trong hoạt động điều trị Covid-19 trước cuối tháng 5 vì hiệu quả và sự an toàn của loại thuốc này chưa được khẳng định.
Trong lúc này, các chuỗi sản xuất và phân phối vaccine của Mỹ lại đang gấp rút chuẩn bị để ứng phó với nhu cầu vaccine phòng bệnh cúm tăng đột biến khi mùa cúm bắt đầu vào tháng 10 tới, với hy vọng ngăn chặn hàng chục ngàn ca bệnh nặng ở thời điểm có thể trùng với làn sóng bùng phát thứ 2 của dịch Covid-19.