Song trên thực tế, việc chẩn đoán hen phế quản ở trẻ em thường chậm trễ, nhất là ở trẻ dưới 2 tuổi. Điều này đã hạn chế hiệu quả điều trị, trẻ thường xuyên bị lên cơn, phải nhập viện, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng. Hen phế quản là bệnh không lây lan, không truyền nhiễm.
Triệu chứng của hen suyễn là khò khè, ho, có đàm, khó thở tái đi tái lại, có khi biến mất tạm thời rồi bị lại (thành đợt). Trẻ có thể có một hoặc tất cả các triệu chứng trên. Khó chẩn đoán nhất và dễ nhầm nhất là trong trường hợp trẻ chỉ bị ho. Khi trẻ bị các triệu chứng trên lặp đi lặp lại, thì các bậc phụ huynh nên nhanh chóng đưa con đến với bác sĩ nhi chuyên khoa hô hấp để điều trị kịp thời. Trẻ còn nhỏ, nhiều cháu chưa biết nói nên khi bị khó thở, chỉ biết khóc, quấy. Nếu trong đợt cấp cứu mà trẻ không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng. Nếu không tuân thủ điều trị đều đặn và đúng cách, để lâu dài sẽ gây tắc nghẽn đường dẫn khí cố định (không gỡ ra được nữa), làm giảm khả năng hoạt động (gây khó thở kinh niên). Việc điều trị kịp thời sẽ giúp trẻ ít bị lên cơn hen, có giấc ngủ bình yên, điều trị đúng còn làm giảm chi phí điều trị, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Người bệnh hen có cơ địa sẵn bị viêm trong lòng phế quản, làm hẹp lòng phế quản. Khi thay đổi thời tiết, hoạt động gắng sức, khói thuốc, bụi... là các yếu tố gây khởi phát cơn hen - gây kích ứng phế quản, làm cho lòng phế quản vốn đã bị sưng hẹp nay càng chít hẹp hơn. Vì thế, các bậc phụ huynh nên giữ ấm cho trẻ, tránh hoạt động gắng sức hoặc xúc động mạnh, tránh khói thuốc, bụi, phấn hoa, các loại mùi, nấm mốc, thú nuôi có lông…, gián và các chất tiết của gián; con mạt nhà trên giường, gối.
Về chế độ dinh dưỡng, vì trẻ nhỏ cần một chế độ ăn phù hợp cho sự phát triển cơ thể, do đó chỉ kiêng cử đúng thức ăn có thể gây dị ứng cho chính trẻ. Gia đình nên vệ sinh nhà cửa, lau chùi nhà 1 lần/ngày, tránh bụi; mùng, mền, chăn, chiếu nên giặt nước sôi hoặc phơi nắng 1 lần/tuần và dùng thuốc đúng hướng dẫn của bác sĩ.