Tràn lan vi phạm
Chiều 11-5, tại công trình xây dựng thuộc Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội) xảy ra cháy lớn. Lửa phát sinh tại căn hộ ở tầng 1 - nơi chứa nhiều bao bì, vật liệu dễ bén lửa nên lửa cháy lan rất nhanh, khói đen bao trùm cả một khu vực. Cảnh sát PCCC nhanh chóng có mặt triển khai dập lửa; tuy nhiên, vụ cháy đã thiêu rụi hàng chục xe máy, nhiều công nhân bị thương nhẹ trong lúc tháo chạy.
Trước đó tại TPHCM, công trình xây dựng nhà cao tầng ở số 443 - 445 đường Lê Hồng Phong (phường 2, quận 10) cũng xảy ra cháy lớn trong lúc công nhân đang thi công phần hoàn thiện. Cảnh sát PCCC TPHCM phải huy động 7 xe chữa cháy, trong đó có nhiều xe thang và hàng chục cán bộ - chiến sĩ mới dập được lửa. Đó là 2 trong số hàng trăm vụ cháy công trình xây dựng xảy ra trong 2 năm qua trên cả nước.
Đại diện cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an) nhìn nhận, nguy cơ cháy nổ tại các công trình xây dựng có chiều hướng tăng trong những năm gần đây. Tính chất của các vụ cháy phức tạp. Đặc biệt, khi xảy ra cháy rất dễ để lại hậu quả nghiêm trọng do việc thoát nạn của công nhân ở công trình đang xây dựng khó khăn, cấu kiện công trình chưa đảm bảo…
Đáng lo là vậy, song công tác PCCC ở các công trình rất lơ là. Chiều 20-7, ghi nhân tại công trình xây dựng chung cư S.Ngọc trên đường Tạ Quang Bửu (phường 6, quận 8), chúng tôi thấy một số công nhân thi công hàn cắt kim loại nhưng không che chắn, để vảy hàn nóng đỏ văng vào đống bao bì, rất dễ dẫn đến hỏa hoạn. Các công nhân tại đây cho biết, trước giờ vẫn hàn cắt kim loại như vậy và chưa từng bị cá nhân, đơn vị chức năng nào nhắc nhở, xử lý.
“Ở đây, công nhân chỉ được nghe phổ biến chấp hành các quy định về an toàn lao động, còn tập huấn hay hướng dẫn kỹ năng PCCC thì chưa bao giờ”, một công nhân cho biết.
Theo quy định, đối với các công trình xây dựng, đặc biệt là tòa nhà cao tầng phải ban hành các quy định về an toàn PCCC trong quá trình thi công; nhà thầu, đơn vị thi công phải có trách nhiệm thông báo, phổ biến đến các cán bộ, công nhân viên, công nhân trên công trường chấp hành các quy định về PCCC; phải thành lập đội PCCC cơ sở và tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cơ bản cho các đội viên để có thể xử lý kịp thời các tình huống, sự cố ngay khi mới phát sinh….
Quy định đã có nhưng thực tế có rất ít công trình thực hiện. Trong khi đó, việc kiểm tra, xử lý của ngành năng cũng không thường xuyên, rất ít khi kiểm tra hoặc nếu có cũng chỉ đến những công trình xây dựng lớn, còn công trình quy mô nhỏ thì gần như không kiểm tra.
Xử lý nhà thầu tái phạm
Để đảm bảo phòng chống cháy nổ tại các công trình xây dựng, nhất là ở công trình xây dựng chung cư, nhà cao tầng, UBND các quận Bình Tân, Thủ Đức, 12, 7 và huyện Nhà Bè cho biết, địa phương đang rà soát, thống kê số nhà thầu, đơn vị thi công thường xuyên vi phạm các quy định về PCCC, thoát nạn trong thi công để kiến nghị ngành chức năng tăng cường số lượng kiểm tra và xử lý nghiêm đối với nhà thầu vi phạm nhiều lần.
“Ở góc độ địa phương, ngoài việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm cảnh sát PCCC, điện lực, quản lý đô thị, an toàn lao động… để xử lý các vi phạm về an toàn lao động, PCCC, còn chỉ đạo cảnh sát PCCC quản lý địa bàn phối hợp với các phòng nghiệp vụ của Cảnh sát PCCC TPHCM mở lớp tập huấn kỹ năng PCCC cho các đơn vị thầu, thi công”, đại diện lãnh đạo quận 7 cho biết.
Theo Cảnh sát PCCC TPHCM, thời gian qua, cơ quan này đã phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Công thương… thực hiện nhiều đợt kiểm tra chuyên đề về PCCC đối với các công trình xây dựng. Kịp thời phát hiện, xử lý hàng loạt vi phạm như chưa thẩm duyệt PCCC, thi công không đảm bảo an toàn PCCC, không thành lập đội PCCC tại chỗ…
Hiện Cảnh sát PCCC TP đang tiếp tục rà soát, xử lý các nhà thầu, đơn vị thi công vi phạm nhiều lần. Ngoài ra, Cảnh sát PCCC cũng chỉ đạo các phòng nghiệp vụ trực thuộc và phòng cảnh sát PCCC quận huyện tăng cường mở các đợt tập huấn kiến thức, kỹ năng PCCC cho chủ đầu tư, nhà thầu, công nhân thi công.