° PHÓNG VIÊN: Thưa PGS-TS Tăng Chí Thượng, phòng cách ly áp lực âm là gì và quy trình vận hành như thế nào?
° PGS-TS TĂNG CHÍ THƯỢNG: Phòng cách ly áp lực âm là một phương pháp cách ly được sử dụng trong các bệnh viện để ngăn chặn sự lây nhiễm chéo, không phải dùng để điều trị bệnh. Phòng có áp suất thấp hơn xung quanh, nơi không khí chỉ có thể đi vào từ một phía và không thể thoát ra qua phía đó. Để có thể hình thành một phòng áp dụng trong y tế thì phải tuân thủ nhiều quy chuẩn nghiêm ngặt: có bộ lọc HEPA (siêu lọc) để lọc những hạt nhỏ li ti; có tia UV để diệt virus.
Các tiêu chí được các chuyên gia kiểm soát nhiễm khuẩn và chuyên gia về trang thiết bị của các bệnh viện đầu ngành xây dựng dựa trên các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và CDC (Mỹ).
Ngoài việc sử dụng phòng cách ly áp lực âm, các cơ sở y tế đều phải tuân thủ nghiêm hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh bằng việc thực hiện biện pháp cách ly bệnh nhân nhanh chóng, hiệu quả như bố trí phòng cách ly bệnh nhân thông thoáng, sử dụng thông khí hỗn hợp hoặc thông khí tự nhiên…
° Hiện trên địa bàn TPHCM có bao nhiêu phòng áp lực âm và các phòng áp lực âm này có đảm bảo 34 tiêu chí không, thưa ông?
° Hiện nay, tại Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi đã lắp được 10 phòng cách ly áp lực âm, Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ cũng đang lắp 10 phòng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đang lắp thêm 4 phòng trong giai đoạn này (trước đó bệnh viện cũng đã có 1 phòng) và thời gian tới sẽ triển khai thêm nhiều phòng khác, bởi đây là nơi được chọn làm bệnh viện đầu ngành khi bùng phát những ca dữ dội, ca nặng sẽ nằm điều trị tại đây.
Bên cạnh đó, các bệnh viện được phân công chuyên trách tiếp nhận và điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 ở TPHCM đều được Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh đầu tư thêm các phòng cách ly áp lực âm, đảm bảo các tiêu chí nêu trên để cách ly người bệnh có kết quả xét nghiệm dương tính. Một số bệnh viện tư nhân và một số đơn vị tài trợ phòng cách ly áp lực âm này cho các cơ sở y tế cũng đều phải đảm bảo theo 34 tiêu chí đề ra mới đưa vào áp dụng.
° Vậy bệnh nhân nào sẽ được điều trị tại phòng cách ly áp lực âm này và phòng có thực sự kiểm soát tốt được sự lây lan và an toàn cho nhân viên y tế không, thưa ông?
° Trong giai đoạn đầu, các buồng áp lực âm chỉ dùng cách ly những bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính. Nếu dịch bệnh bùng phát với nhiều trường hợp dương tính hơn thì các cơ sở y tế sẽ ưu tiên sử dụng buồng áp lực âm để cách ly những bệnh nhân suy hô hấp, hoặc cần can thiệp nhiều kỹ thuật điều trị có nguy cơ tạo ra nhiều giọt bắn mang mầm bệnh.
Bên trong phòng áp lực âm vẫn có nguy cơ nhiễm khuẩn nên bác sĩ, nhân viên y tế nếu tham gia làm nhiệm vụ tại phòng cách ly áp lực âm phải chấp hành nghiêm các quy trình khử khuẩn, mặc áo bảo hộ, đeo kính và đeo khẩu trang phòng bệnh.
Tại đây, các vật tư y tế tiếp xúc với bệnh nhân sẽ được lấy ra và tiêu hủy, đảm bảo virus lây nhiễm không thể thoát ra môi trường. Phòng cách ly áp lực âm được trang bị đầy đủ dụng cụ và trang thiết bị cấp cứu. Người bệnh được cách ly và giám sát qua màn hình camera, nhân viên bệnh viện dễ dàng trao đổi với người bệnh qua hệ thống camera.
° Đơn vị nào sẽ đứng ra thẩm định tiêu chuẩn của phòng cách ly áp lực âm, thưa ông?
° Thực chất, chưa có tổ chức nào chuyên thẩm định về kỹ thuật này, bởi buồng áp lực âm đòi hỏi nhiều tiêu chí kỹ thuật nghiêm ngặt, nếu không có thể gây tác dụng không mong muốn. Chính vì yêu cầu cao về yếu tố kỹ thuật, trong khi chờ Bộ Y tế ban hành các hướng dẫn chi tiết về buồng áp lực âm, Hội đồng Khoa học công nghệ Sở Y tế mở rộng, bao gồm các chuyên gia đầu ngành về kiểm soát nhiễm khuẩn, về xây dựng và trang thiết bị y tế; các nhà quản lý bệnh viện có kinh nghiệm về triển khai phòng áp lực âm; các chuyên gia về phòng chống dịch bệnh đã nghiên cứu các tư liệu về buồng áp lực âm và đã xây dựng tiêu chí kỹ thuật đối với buồng áp lực âm sử dụng trong hoạt động khám, chữa bệnh.
Căn cứ trên các tiêu chí này, Sở Y tế yêu cầu ban giám đốc các bệnh viện phải mời Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 đến nghiệm thu buồng áp lực âm, chỉ khi đạt tất cả các tiêu chí mới được phép đưa vào sử dụng.
° Trong trường hợp, các cơ sở y tế chưa có đủ điều kiện lắp đặt phòng cách ly áp lực âm, ông có khuyến cáo gì đến các cơ sở y tế?
° Theo khuyến cáo của WHO, những người được cách ly và điều trị ở phòng cách ly áp lực âm là quá tốt, nhưng số lượng phòng lắp ráp ở nước ta nói chung và TPHCM còn hạn chế, thời gian lắp ráp kéo dài (từ 5 đến 7 ngày).
Những người dương tính có dấu hiệu suy hô hấp cần hỗ trợ hô hấp, phẫu thuật cần hỗ trợ tạo ra khí dung làm bắn các giọt nước nhỏ ra xung quanh nhiều hơn thì nên nằm phòng này. Một người dương tính khỏe mạnh, không nhất thiết nằm phòng này, có thể nằm trong một phòng đơn bình thường, thoáng khí tốt là được.
Việc triển khai sử dụng các phòng cách ly áp lực âm trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát hiện nay, có mục tiêu chính nhằm cách ly người nhiễm bệnh, qua đó góp phầm làm giảm thiểu nguy cơ lây lan mầm bệnh ra môi trường xung quanh. Do đó, với mục đích này nếu có thì rất tốt, còn các nơi chưa có sẽ có các giải pháp thay thế khác, như bố trí bệnh nhân nằm một phòng cách ly riêng, phòng có cửa luôn ở trạng thái đóng, và có phòng tắm riêng.
Các xét nghiệm và điều trị nên thực hiện trong phòng bệnh nhân. Tất cả bệnh nhân phải đeo khẩu trang trong thời gian nằm điều trị tại các phòng cách ly.