Với chưa đến 400 trang, cuốn sách đã kể lại câu chuyện về người họa sĩ Việt Nam duy nhất vẽ tranh sơn mài ở châu Âu, về “số phận” của hàng trăm tác phẩm nghệ thuật bị lãng quên ở ngoại ô thủ đô Bern, Thụy Sĩ, nơi ông sống và làm việc từ năm 1968 đến khi qua đời vào năm 1993.
Là lứa sinh viên thuộc thế hệ sau cùng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, họa sĩ Trần Phúc Duyên đã có một cuộc đời và sự nghiệp sáng tạo khác biệt, độc đáo so với các nghệ sĩ cùng thời. Giám tuyển Ace Lê nhận định: “Trần Phúc Duyên là một trong những họa sĩ sơn mài có đóng góp quan trọng cho mỹ thuật Việt Nam. Ông là người đầu tiên khéo léo hòa quyện cả hội họa hàn lâm của Tây phương và lối vẽ thủy mặc văn nhân họa của Đông phương, đem bày lên mặt tranh sơn mài Việt”.
Nhà nghiên cứu và phê bình văn hóa nghệ thuật Phan Cẩm Thượng bày tỏ: “Trần Phúc Duyên có thể được xem như tạo nên một cuộc cách mạng trong hội họa sơn mài Việt Nam. Tranh của ông khéo léo đan cài hình học vào các sắc độ màu, hình ảnh đậm nét Việt Nam như mái đình, cây chuối,... nhưng không gian màu lại rất Thụy Sĩ. Ông cũng sử dụng lối vẽ trực tiếp và mài cục bộ, khác với các họa sĩ đương thời. Khi đặt mình vào hoàn cảnh ít vật liệu và không có người hỗ trợ như Trần Phúc Duyên mới thấy được giá trị từ những tác phẩm của ông”.
Cuốn sách “DUYÊN: Hiện thực, Trừu tượng, Thiền họa” ra đời sau 6 năm chuẩn bị bởi hai nhà sưu tập Phạm Lê (Phạm Quốc Đạt và Lê Quang Vinh).