* Các dấu hiệu có thể nhận biết thiếu vitamin A ở trẻ em? Nguyễn Phúc A.
Thiếu vitamin A làm giảm nhiều chức năng của cơ thể, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, và phụ nữ có thai.
- Biểu hiện đầu tiên của trẻ thiếu vitamin A là quáng gà, vệt Bitot (tế bào biểu mô bị sừng hóa màu trắng nổi lên trên bề mặt kết mạc mắt), mắt khô, sợ ánh sáng, dễ chảy nước mắt nếu không được điều trị sẽ dẫn đến loét giác mạc gây mù lòa.
- Thiếu vitamin A làm cho trẻ dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng như viêm hô hấp, tiêu chảy, nhiễm trùng da, khi bị bệnh trẻ dễ có nguy cơ bệnh diễn tiến nặng có thể dẫn đến tử vong.
- Trẻ thiếu vitamin A cũng sẽ chậm tăng trưởng, thậm chí sụt cân, trẻ thường hay mệt mỏi, biếng ăn, biếng chơi.
- Thiếu vitamin A có thể dẫn đến thiếu máu ở trẻ em và phụ nữ vì vitamin A có vai trò trong việc vận chuyển sắt.
- Da của trẻ thiếu vitamin A hay thô ráp, sần sùi, dễ bị mắc các bệnh ngoài da.
- Đối với phụ nữ mang thai và cho con bú rất dễ bị thiếu vitamin A dẫn đến thiếu máu, thiếu vi chất, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, tiêu chảy... ảnh hưởng sự phát triển của bé trong bụng mẹ và nhất trong năm đầu nếu mẹ ăn uống thiếu vitamin A dẫn đến sữa mẹ cũng bị thiếu vitamin A, dẫn đến con cũng bị thiếu vitamin A.
Mặc dù quáng gà, vệt Bitot là giai đoạn sớm của bệnh mắt do thiếu vitamin A nhưng cả hai đều thể hiện thiếu vitamin A ở mức độ từ vừa đến nặng. Vì vậy chúng ta phải chú ý đề phòng bệnh này trước khi cơ thể có biểu hiện bệnh.
* Bác sĩ có thể cho biết nguyên nhân làm trẻ bị thiếu vitamin A để có biện pháp phòng bệnh sớm? Nguyễn Lan Tr.
Các nguyên nhân làm trẻ dễ bị thiếu vitamin A:
- Thiếu vitamin A trong khẩu phần:
Gặp ở trẻ chỉ sử dụng vitamin A ở dạng tiền chất của vitamin A từ nguồn thực vật, thiếu thực phẩm giàu vitamin A có giá trị sinh học cao như thịt, cá, trứng, sữa, gan...
Chế độ ăn quá ít chất béo.
Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị thiếu vitamin A do nhiều nguyên nhân: Trẻ không được bú sữa non, hoặc bú mẹ không đủ, hoặc bản thân bà mẹ bị thiếu vitamin A, trẻ ăn dặm không đúng, trẻ nhỏ dễ bị bệnh (đặc biệt bệnh nhiễm trùng) làm hao hụt vitamin A.
- Mắc bệnh nhiễm trùng và ký sinh trùng:
Các bệnh tiêu chảy, nhiễm trùng hô hấp, sởi... làm tăng hao hụt vitamin A qua phân và nước tiểu, làm tăng nhu cầu vitamin A của cơ thể.
Nhiễm giun làm mất vitamin A và dinh dưỡng trong khẩu phần, thay đổi cấu trúc nhung mao ruột làm giảm hấp thụ các chất dinh dưỡng trong ruột.
- Kết hợp với một số bệnh thiếu dinh dưỡng khác:
Suy dinh dưỡng do thiếu protein và năng lượng đặc biệt thể nặng thường kèm thiếu vitamin A và khô mắt.
Thiếu các vi khoáng chất đặc biệt thiếu kẽm cũng dẫn đến thiếu vitamin A do giảm tổng hợp protein vận chuyển vitamin A làm vitamin A không được huy động từ gan đến nơi sử dụng.
Trẻ bị các bệnh lý kém hấp thụ như xơ gan, viêm gan, viêm tụy mãn tính.
Biết được các nguyên nhân dẫn đến thiếu vitamin A giúp các bậc cha mẹ sẽ có biện pháp phòng bệnh, chú ý chế độ dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo đủ đạm, béo, vitamin, khoáng chất giúp trẻ phát triển cao lớn, thông minh và khỏe mạnh. Lưu ý cho trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi uống vitamin A theo chiến dịch tại địa phương.
BS CK1 Hoàng Hồ Thống Nhất
Chuyên gia Tư vấn Dinh dưỡng NutiFood