* Tôi năm nay 70 tuổi, vẫn khỏe mạnh, có thói quen tập thể dục, ăn uống điều độ. Mỗi ngày tôi đều cố gắng đi vệ sinh 1 lần vào buổi sáng, nhưng không đi được, hoặc đi rất khó khăn, phân lại rất khô cứng, đôi khi phải thụt tháo mới đi được. Vậy tôi có bị bệnh táo bón không?
- Chào bà! Táo bón là bệnh lý hay gặp ở người cao tuổi, là tình trạng đi tiêu phân khô cứng, vón cục, phải rặn mạnh, đôi khi ra cả máu tươi, thời gian đi tiêu lâu hoặc quá 3 ngày mới đi tiêu, hoặc 1 tuần đi tiêu dưới 3 lần. Trường hợp của bà là biểu hiện bệnh táo bón. Táo bón ở người lớn tuổi thường do những nguyên nhân sau:
Do chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, thiếu chất xơ:
- Người cao tuổi thường ăn không ngon miệng, chán ăn, hoặc kiêng khem quá mức nên ăn số lượng thức ăn ít, tạo ít chất bã nên phản xạ co bóp của đại tràng giảm dẫn đến khó đi tiêu.
- Ăn không đủ lượng chất xơ trong khẩu phần, chất xơ có tác dụng làm nở và mềm khối phân, kích thích thành ruột làm tăng nhu động ruột giúp việc đẩy phân ra ngoài dễ dàng hơn. Người cao tuổi chức năng hệ răng nhai yếu nên không ăn được nhiều thực phẩm giàu chất xơ.
- Ăn quá nhiều chất đạm, chất béo, không cân đối khẩu phần, hoặc uống nhiều bia rượu, trà đặc...
Do cơ thể thiếu nước:
- Về sinh lý cơ thể người lớn tuổi dễ thiếu nước hơn lứa tuổi khác vì lúc này chức năng các cơ quan suy giảm, khả năng làm việc của thận cũng giảm nên cơ thể bài tiết nhiều hơn.
- Người già ít uống nước một phần vì do phản xạ khát nước giảm, sợ uống nước phải đi tiểu nhiều, nhất là tiểu đêm, làm cơ thể thiếu nước dẫn đến táo bón.
Do giảm nhu động ruột sinh lý ở người lớn tuổi, bỏ qua cảm giác muốn đi ngoài:
- Khi phân di chuyển chậm và giữ lâu trong đường ruột, lượng nước sẽ bị hấp thụ lại nhất là ở khung đại tràng, làm phân khô cứng, vón cục rất khó đi, nếu rặn mạnh có thể gây đau rát, chảy máu càng làm người bệnh càng ngại đi, càng làm cho táo bón nặng hơn.
Ít vận động: Sự vận động sẽ làm cơ thể khỏe mạnh, điều hòa nhu động ruột, giúp ngăn ngừa táo bón.
Do tác dụng phụ của thuốc: Như thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày, thuốc có chất tannin, thuốc chống trầm cảm, thuốc nhuận tràng...
Do bệnh lý tại đường tiêu hóa hay cơ quan lân cận làm chít hẹp lòng đại tràng như: Polyp vùng hậu môn trực tràng, khối u đại tràng, u vùng chậu...
Bà đã có nhiều thói quen rất tốt cho sức khỏe cần duy trì như tập thể dục đều đặn, ăn uống điều độ, chủ động đi vệ sinh hàng ngày. Bà cần xem lại thực đơn hàng ngày có đủ dinh dưỡng, đặc biệt có đủ chất xơ hay không, chất xơ có nhiều trong cám gạo, khoai củ, các hạt nguyên vỏ, rau, trái cây...
Bà nên ăn gạo ít chà xát, mỗi tuần nên ăn 3 chén đậu nguyên vỏ, vài chén khoai củ, mỗi ngày ăn ít nhất 300g rau và 200g trái cây mới đủ nhu cầu chất xơ cho cơ thể, nếu khó khăn về nhai thì nên cắt nhỏ, nấu mềm cho dễ ăn. Nếu bà đang dùng sữa hàng ngày thì rất tốt, nếu không thì nên bổ sung sữa vào khẩu phần, nên chọn sữa giàu dinh dưỡng và có bổ sung chất xơ tan tốt cho hệ tiêu hóa người cao tuổi. Bên cạnh đó bà nên chú ý uống đủ nước, khoảng 1,5 - 2 lít/ngày, có thể là nước lọc, nước canh, sữa, nước chè loãng, nước trái cây tuơi... Nếu thay đổi chế độ ăn như vậy mà vẫn không hết táo bón, bà nên gặp bác sĩ chuyên khoa để tìm nguyên nhân và điều trị hiệu quả.
Chúc bà sức khỏe!
BS CK1 Hoàng Hồ Thống Nhất
Chuyên gia Tư vấn Dinh dưỡng NutiFood