Thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho một số vi sinh vật phát triển khiến trẻ rất dễ mắc một số bệnh truyền nhiễm, tiêu hóa, ngoài da... cộng với việc trẻ được nghỉ hè, trẻ dễ ham chơi, ăn ngủ thất thường cũng là nguyên nhân khiến trẻ dễ nhiễm bệnh. Dưới đây là một số bệnh hay gặp mùa hè và cách phòng tránh.
Bệnh tay chân miệng
Là một bệnh lây qua đường tiêu hóa, chủ yếu xảy ra ở trẻ em, người bệnh có thể lây cho người khác qua dịch mũi, họng, phân, dịch từ mụn nước... Khả năng lây mạnh trong tuần đầu bị bệnh, virus tiếp tục được đào thải qua phân trong vòng vài tuần sau khi khỏi bệnh. Bệnh dễ lan thành dịch, nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời bệnh rất dễ biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.
Bệnh thường xuất hiện sau khi nhiễm virus từ 3-6 ngày.
- Biểu hiện sớm nhất là mệt mỏi, sốt nhẹ (38-38,5°C), đau họng, sổ mũi trong vài ngày.
- Sau đó xuất hiện mụn nước ở niêm mạc miệng, thường là ở mặt trong má, lợi, mặt bên của lưỡi, các mụn nước này dập vỡ rất nhanh tạo ra các vết trợt loét rất đau rát gây khó ăn uống. Và các mụn nước, bọng nước ở bàn chân, bàn tay, mông, không ngứa, không đau rát, tồn tại khoảng 7-10 ngày.
Khi thấy trẻ có những dấu hiệu trên cần phải cách ly trẻ và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Hiện chưa có vaccine phòng bệnh, biện pháp hữu hiệu nhất là phòng lây lan bệnh sang người lành bằng các biện pháp vệ sinh.
Bệnh sốt xuất huyết
Là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.
Trẻ sốt xuất huyết thường có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, có thể nổi chấm đỏ hoặc bầm ở da, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, trường hợp nặng có thể nôn ra máu, đi cầu phân có máu, đau bụng vùng gan... Trong vòng 3-6 ngày, bệnh có thể trở nặng với các dấu hiệu hết sốt nhưng trở nên lừ đừ, lạnh tay chân, tím môi, vã mồ hôi, bứt rứt, nôn nhiều, đau bụng, chảy máu bất thường, có thể dẫn đến tử vong. Khi thấy trẻ sốt cao đột ngột, sốt liên tục trong 2 ngày, có hoặc không có các triệu chứng kèm theo đều nên đưa trẻ đi khám để xác định bệnh và điều trị kịp thời.
Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh. Để phòng bệnh sốt xuất huyết, nên hạn chế nguy cơ bị muỗi vằn đốt bằng cách nằm màn, diệt muỗi và lăng quăng.
Bệnh tiêu chảy
Bệnh xuất hiện quanh năm, nhưng xảy ra nhiều nhất vào mùa hè vì ruồi nhặng phát triển, thực phẩm dễ bị ôi hỏng nếu bảo quản không tốt, ăn hoa quả sống rửa không sạch, uống nước đá làm từ nguồn nước không đảm bảo vệ sinh...
Trẻ tiêu chảy sẽ có các biểu hiện như: Đại tiện phân lỏng nhiều lần/ngày (từ 3 lần trở lên), đau bụng (từng cơn hay liên tục), mót rặn hoặc đau quanh hậu môn, buồn nôn hay nôn, có thể kèm sốt, mệt mỏi, khát nước, khô miệng... Bệnh nặng trẻ có thể tử vong do mất nước hoặc nhiễm trùng nhiễm độc nặng, cần đưa trẻ đi khám bệnh và điều trị kịp thời.
Bệnh ngoài da
Bệnh ngoài da hay gặp nhất là rôm sảy, là hiện tượng viêm các nang tuyến chân lông khiến chúng lồi lên mặt da thành các bọc nước nhỏ, đỏ và ngứa ngáy. Nguyên nhân chủ yếu là do bít tắc lỗ chân lông bởi các chất bẩn. Đặc biệt khi thời tiết nắng nóng, cơ thể tăng cường hoạt động của các tuyến mồ hôi và tuyến nhầy trong cơ chế tăng thải nhiệt.
Ngoài rôm sảy, thời tiết nóng ẩm là điều kiện tốt cho các loại nấm phát triển gây hắc lào, lang ben, nấm kẽ, nấm tóc, viêm nang lông, hoặc các bệnh ký sinh trùng trên da như ghẻ, chấy, rận... mùa hè cũng là mùa của viêm da do dị ứng như chàm, eczema...
Phòng bệnh ngoài da chủ yếu là tắm rửa sạch sẽ, giữ môi trường thông thoáng, thường xuyên lau sạch và khô mồ hôi nhất là những vùng da kín như bẹn, nách, cổ, sau tai... không giết rôm sảy làm tổn thương da dễ gây bội nhiễm nguy hiểm.
|
BS CK1 Trần Thị Minh Nguyệt
Thành viên HĐQT Công ty NutiFood