Ăn uống khoa học giúp tăng cường sức khỏe, phát triển thể chất, tăng sức đề kháng, giúp phòng chống bệnh tật. Nhiều bệnh có thể phòng tránh được nhờ chế độ ăn hợp lý, đầy đủ, cân đối các thành phần dinh dưỡng như béo phì, bệnh đái tháo đường, tim mạch, cao huyết áp, ung thư, thoái hóa khớp, loãng xương...
Ăn uống không hợp lý và các bệnh mạn tính
Một chế độ ăn thiếu hay thừa dưỡng chất, thói quen ăn uống hoặc cách chế biến không hợp lý đều có thể gây nên những bất lợi cho cơ thể, chẳng hạn như:
- Ăn thừa năng lượng trong một thời gian dài, nguy cơ dẫn đến béo phì kéo theo là hàng loạt các bệnh lý do béo phì gây ra như đái tháo đường, bệnh tim mạch, cao huyết áp, ung thư...
- Ăn thừa chất đạm có thể gây bệnh Gout.
- Ăn thừa chất béo: Nguy cơ béo phì, bệnh tim mạch, sỏi mật.
- Ăn nhiều muối: Gây cao huyết áp, bệnh tim mạch.
- Ăn nhiều đường: béo phì, đái tháo đường.
- Uống nhiều rượu bia: Nguy cơ xơ gan.
- Ăn nhiều thức ăn ướp muối, hun khói, dầu chiên đi chiên lại nhiều lần: Nguy cơ ung thư rất cao.
- Ăn thiếu canxi, vitamin D: Nguy cơ loãng xương.
- Ăn thiếu chất xơ: Táo bón, trĩ, ung thư đại trực tràng...
Dinh dưỡng giúp phòng một số bệnh mạn tính
Bệnh béo phì
Chế độ ăn cân đối, đa dạng thực phẩm, đủ 4 nhóm thực phẩm trong mỗi bữa ăn, ăn đủ bữa, không ăn quá no trong một bữa. Ăn cơm (bún, phở, mì, nui...) vừa phải, ăn đủ đạm (chọn thịt, cá nạc, hải sản, trứng, đậu đỗ... ăn cá nhiều hơn thịt), hạn chế mỡ động vật (heo, bò, gà), ăn vừa phải dầu thực vật (dầu mè, dầu nành, dầu phộng), ăn nhiều rau xanh (ít nhất 300g/ngày), trái cây ít ngọt(200g/ngày) giúp cung cấp nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất.
Bệnh tăng huyết áp
Chế độ ăn đầy đủ và cân đối các thành phần dinh dưỡng, giữ cân nặng lý tuởng, phòng chống béo phì, không ăn mặn, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia. Hạn chế hoặc không sử dụng các thực phẩm giàu muối như nước mắm, nước tương, đồ hộp, lạp xưởng, xúc xích, giò chả, các loại hải sản khô, thực phẩm muối chua như dưa, cà, mắm... chú ý lượng muối có trong bột ngọt, hạt nêm trong nấu nướng.
Bệnh ung thư
Ăn uống điều độ, cân đối, đủ dưỡng chất, phòng chống béo phì và suy dinh dưỡng. Bên cạnh đó hạn chế thực phẩm chế biến chiên rán ở nhiệt độ quá cao, dầu chiên đi chiên lại nhiều lần, thực phẩm hun khói, thực phẩm bị nấm mốc, đảm bảo an toàn trong chế biến, bảo quản thực phẩm, hạn chế tối đa tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật. Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ như các loại đậu đỗ, rau xanh, quả chín trong khẩu phần.
Bệnh đái tháo đường
Ăn uống điều độ, cân đối, đủ dưỡng chất, phòng chống béo phì. Không ăn quá nhiều các thức ăn có năng lượng cao, hạn chế sử dụng các loại thức ăn có hàm lượng đường nhiều (bánh, kẹo, mứt, nước ngọt), nên chọn các loại thực phẩm ít làm thay đổi đường huyết như gạo lứt, các loại ngũ cốc, khoai củ... nên ăn nhiều rau xanh, trái cây nên chọn loại ít ngọt.
Bên cạnh đó, để cơ thể luôn khỏe mạnh, phòng chống bệnh tật hiệu quả cần từ bỏ những thói quen có hại cho sức khỏe như rượu bia, thuốc lá... duy trì thói quen ăn uống có lợi cho sức khỏe, ăn vừa đủ nhu cầu, đảm bảo đủ bữa, đủ dưỡng chất, đủ rau, trái cây trong khẩu phần, nên uống 2 - 3 ly sữa mỗi ngày, giúp cung cấp đầy đủ dưỡng chất thiết yếu, đặc biệt là các vitamin và khoáng chất, nên chọn sữa phù hợp thể trạng. Đồng thời cần có nếp sống năng động, thực hiện lối sống lành mạnh, hoạt động thể lực thường xuyên và hợp lý, giữ tinh thần thoải mái, nghỉ ngơi điều độ, ngủ đủ giấc cũng là những biện pháp phòng bệnh hiệu quả.
BS CK1 Trần Thị Minh Nguyệt
Thành viên HĐQT Công ty NutiFood