Hà Nội là một đô thị ra đời trước khi nhân loại phát minh ra xà phòng khá lâu. Thế nhưng so với vải vóc quần áo thì Hà Nội hãy còn rất trẻ. Người nguyên thủy cách chúng ta vài chục vạn năm chắc chắn đã có quần áo vỏ cây để mặc rồi. Những vải vóc quần áo vỏ cây ấy cho đến tận giữa thế kỷ trước vẫn còn được chế tạo và sử dụng phổ biến trên vùng rừng núi phía Bắc. Chiếc chăn làm bằng vỏ cây sui còn đi cả vào thơ ca kháng chiến “Thương nhau chia củ sắn lùi/ Bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng…”. (Việt Bắc - Tố Hữu).
Áo quần chăn gối phải được làm sạch thường xuyên như một tất yếu của những đồ vật gắn liền với cơ thể con người. Thế là sinh ra giặt giũ. Hồi giữa thế kỷ trước, nông thôn chủ yếu giặt quần áo chiếu chăn ở sông ngòi, ao đầm. Quần áo nhúng nước đặt lên tảng đá bờ sông lấy chày mà nện. Chiếu cói rải trên mặt nước dùng chổi tre quét ràn rạt. Quần áo vắt khô nước. Chiếu phải khỏe tay mới rũ được ráo nước. Phơi phóng ở nông thôn có nhiều thuận lợi do đất ở thường rộng. Chỉ cần sợi dây thừng chăng ngang hai gốc bưởi sau nhà là đủ phơi cho một gia đình chục người. Khi khô rút mang vào gian chái. Vẫn sợi dây thừng chăng qua hai vách tiếp tục làm chỗ vắt quần áo để lấy ra mặc dần.
Minh họa: Khanh Mai
Thành phố những năm sau hòa bình năm 1954 bắt đầu cuộc sống tập thể. Lúc ấy còn rất ít gia đình được sống riêng trong một số nhà. Những ngôi nhà hình ống và biệt thự ở phố được chia năm xẻ bảy. Cái sân trong và sân thượng thành chỗ phơi phóng chung cho nhiều gia đình. Người ta tự chăng dây thép và nhớ sợi dây của nhà mình mà phơi. Tuy thế, nhiều hôm ẩm trời, quần áo giặt ra quá nhiều phải phơi sang cả dây hàng xóm. Quần đùi ống sớ mậu dịch bán ra giống nhau hoàn toàn về màu sắc, kiểu cách. Ông nọ mặc lẫn quần đùi ông kia là chuyện thường. Lại thêm việc cho các bà ngồi tỉ mẩn thêu tên đức lang quân tôn kính của mình lên gấu quần đùi. Để còn dễ phát hiện mà đổi lại. Thế nhưng, chính các bà mới thật sự là phiền phức. Chỉ còn cách chờ đến mẻ phơi quần áo sau mới đoàn tụ được với nội y của mình.
Quần áo hàng ngày còn phơi chung sân trong được. Nhưng qua mùa rét vẫn thấy nhan nhản trên các con phố trung tâm cảnh người ta bắc ghế ra ngoài đường phơi phóng rất nhiều chăn đệm. Vài người còn mạnh dạn mang cả những tấm thảm ra vỉa hè dùng cán chổi đập tung bụi mù mịt. Phơi phóng kiểu này thường phải sai trẻ con bắc ghế trong nhà ngồi trông. Sểnh ra là mất.
Những năm 1960, vài khu tập thể Nguyễn Công Trứ, Kim Liên… ra đời. Đã không có bất cứ một quy định nào của ngành kiến trúc nói về chỗ phơi phóng hàng ngày. Mặc nhiên ở nhà tập thể thì chỗ phơi phóng phải tự thu xếp lấy. Người ta sẽ biến hành lang chung các tầng trên thành cái sân phơi công cộng. Và dĩ nhiên khoảnh sân mặt đất là cái sân phơi vĩ đại. Thôi thì đủ thứ quần trong áo ngoài và đồ tế nhị của chị em chăng ngang tầm mắt. Đức tính e thẹn kín đáo của chị em Hà Nội mai một đi khá nhiều trong thời gian này. May mà hồi ấy chưa có hàng hiệu như bây giờ. Nếu có, hẳn là người ta còn biết được cả tình hình kinh tế và đẳng cấp ăn chơi của từng cô một.
Phơi phóng ngoài hành lang và sân dưới đất cũng không tồn tại được lâu lắm. Ngoài việc vô cùng mất mỹ quan đường phố ra thì nó còn là địa bàn làm ăn rôm rả của lũ trộm vặt. Người ta phải nghĩ ra cách khác. Những lồng sắt cửa sổ phía sau căn hộ ra đời làm chỗ phơi phóng. Những khu tập thể như thế đến nay vẫn còn khá nhiều ở Hà Nội. Rải suốt từ Kim Liên, Trung Tự vào đến tận Thanh Xuân, Hà Đông là trùng điệp những lồng sắt như thế. Với người sống trong những căn hộ ấy thì lồng sắt là mặt sau nhếch nhác không ai nhìn thấy. Nhưng với người ngoài đường thì nó quả là một “bãi rác” khổng lồ treo trước mặt. Thật lạ là dù quần áo bây giờ rất nhiều hàng hiệu nhưng nếu đem phơi theo lối ấy vẫn muôn phần nhếch nhác bê tha.
Vài năm nay, Hà Nội đã không còn thiếu chỗ ở như trước nữa. Người ta lại quay về với truyền thống kín đáo phơi phóng như ngày nào. Những căn hộ cao cấp có thiết kế giàn phơi ở ban công phía sau. Nhà riêng ai cũng có sân phơi kín đáo. Không nhìn thấy cảnh phơi phóng áo quần lộ liễu nữa.
Nhưng cũng rất có thể vì cách ăn mặc bây giờ của chị em đã có nhiều đổi khác nên không còn nhiều quần áo để phơi. “Phơi phóng” hình như đã thành tính từ dùng cho những cô nàng bạo dạn ăn mặc hở hang?
ĐỖ PHẤN