
Cói được trồng ở các xã ven biển của huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) như: Nga Liên, Nga Tân, Nga Thủy, Nga Tiến, Nga Thanh... Với lợi thế là vùng đất ngập mặn, hợp thổ nhưỡng nên cây cói Nga Sơn có nhiều nổi trội so với các nơi khác; đặc biệt, cói nơi đây có sợi dài, nhỏ nhưng dai và độ óng mượt cao. Từ loại cói này, nhiều sản phẩm như chiếu, bình cắm hoa, giỏ đựng đồ, thảm ngồi,… được thị trường trong nước ưa chuộng và xuất đi các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản,…

Theo Phòng NN-PTNT huyện Nga Sơn, toàn huyện hiện có khoảng 700ha cói.

Mỗi năm, cói có 2 vụ chính gồm vụ Chiêm thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 7 và vụ Mùa thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 11. Với vụ Mùa, thời tiết đã mát mẻ, nhưng với vụ Chiêm, việc thu hoạch cói vô cùng vất vả vì thời tiết nắng nóng.

Mùa này, để tránh nắng nóng, nông dân Nga Sơn phải ra đồng từ 4-5 giờ sáng, đến khoảng 9-10 giờ sáng nghỉ ngơi; buổi chiều từ khoảng 15-16 giờ ra đồng và làm đến tối. Bà Vũ Thị Thuần (xã Nga Thanh) cho biết, làm cói mất rất nhiều thời gian, công sức. Một ngày 4 người lao động cật lực mới thu hoạch xong 1 sào cói.


Cói sau khi cắt phải rũ đất, nhặt sạch cỏ, loại bỏ thân cói hỏng và khô; sau đó phân loại sợi dài - ngắn, đẹp - xấu,… Sau khi phân loại, cói sẽ được đem chẻ sợi. Đây là công đoạn cần làm nhanh, nếu chậm sợi cói sẽ héo rất khó chẻ, mất thêm nhiều công sức. Ngày nay, mặc dù công đoạn chẻ cói đã có máy hỗ trợ nhưng vẫn mất nhiều thời gian và cần bàn tay khéo léo của người nông dân.

Bà Vũ Thị Thuần chia sẻ: “Nghề cói là nghề rất vất vả, cực nhọc, nhưng đây là nghề truyền thống ông cha để lại, chúng tôi làm là để giữ nghề và cũng là công việc của những người lớn tuổi. Các cháu trẻ bây giờ đi học, đi làm xa hết, không mấy cháu mặn mà với nghề này nữa”.




