Nhiều năm qua, ngành công thương và du lịch TPHCM đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc đẩy mạnh kích cầu du lịch, thu hút du khách.
Ảnh: CAO THĂNG
Cùng một sản phẩm, nhưng chỉ tô vẽ thêm đôi chút sẽ giúp món hàng của mình sáng giá hơn hẳn. Đó chính là tâm sự của nhiều người bán trái cây, quà lưu niệm trên hè phố. Chỉ vào gánh hàng rong với những trái dừa thắt nơ xinh xắn, anh Văn Phát, bán dừa tươi dạo ở khu vực quận 1, tâm sự rằng đội ngũ bán hàng rong ở TPHCM cực kỳ đông đảo. Tất nhiên, không phải người nào cũng kinh doanh chụp giựt, “chặt chém” du khách. Nhiều người bán sáng tạo không ngừng, bằng cách tô điểm cho sản phẩm lạ hơn, như gắn nơ vào dừa, dán mặt cười trên hoa quả… để hấp dẫn khách hàng. “Mỗi gánh dừa của tôi khoảng vài chục trái, bán cho khách Tây hay ta cũng với giá như nhau, từ 15.000 - 20.000 đồng/trái. Nếu khách muốn chụp hình chung với quang gánh, tôi thu thêm 5.000 - 10.000 đồng/người kèm chụp ảnh giúp họ. Tôi biết có trường hợp lấy của khách nước ngoài tới 100.000 đồng/lần chụp ảnh. Rõ ràng, nếu “vặt” khách như thế họ sẽ không muốn quay lại TPHCM nữa. Điều đó vừa làm xấu hình ảnh du lịch nước ta vừa mất cơ hội việc làm của những người như chúng tôi”, anh Văn Phát nói.
Thông tin từ lãnh đạo ở một số chợ truyền thống lớn trên địa bàn TPHCM, thì hiện nay có nhiều tiểu thương rất năng động. Họ có thể thích ứng với việc kinh doanh của thời kỳ mới. Chẳng hạn, tiểu thương chợ Bến Thành (quận 1), chợ An Đông (quận 5)… đều có nhân viên biết ngoại ngữ. Mỗi nhân viên có thể giới thiệu nguồn gốc từng sản phẩm, cách thức bảo quản, thưởng thức món hàng thế nào... Một số nhân viên bán hàng khác còn gợi ý cho khách nước ngoài về các điểm đến thú vị của TPHCM, giá cả ra sao, lựa chọn phương tiện di chuyển sao cho cho hợp lý… “Hôm trước, tôi được một chị bán hàng ở chợ Bến Thành giới thiệu về cách chế biến đặc sản mứt xoài, mứt bưởi. Chị này cũng không quên hướng dẫn tôi đến Trạm thông tin du lịch thuộc khu vực Công viên 23-9 để tôi dễ dàng liên hệ. Ở họ toát lên sự tận tâm, chu đáo”, chị Greta Celeste Gerwig, du khách đến từ Anh, chia sẻ.
Giúp khách vui lòng
Tại một cuộc họp mới diễn ra gần đây để bàn phương pháp kích cầu mua sắm, du lịch do UBND TPHCM tổ chức, cả Sở Công thương và Sở Du lịch TP đều được lãnh đạo UBND TPHCM chỉ đạo cùng thúc đẩy ngành công nghiệp không khói này. Trong đó, tập trung vào cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm song song với thái độ phục vụ, tôn trọng khách hàng. Chị Thúy Ngọc, tiểu thương chợ Bến Thành, nói rằng nhiều năm qua bà con kinh doanh đều xác định phương châm làm vui lòng khách hàng. Ban quản lý chợ cũng thường xuyên nhắc nhở, khuyến cáo tiểu thương về văn hóa kinh doanh (sản phẩm an toàn, niêm yết giá công khai…), tránh trường hợp buôn bán chụp giựt, ảnh hưởng đến uy tín của chợ nói riêng và TPHCM nói chung. Kiên quyết hướng đến việc phục vụ khách hàng tận tâm, cung cấp những dịch vụ du lịch đạt chất lượng. Do vậy, bà con đều cố gắng “bán hàng bằng cả niềm tin, tấm lòng” cho khách.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đã nhiều lần nhấn mạnh trong các cuộc họp rằng, mỗi người dân TPHCM hãy truyền đi thông điệp nhân văn, mến khách. Từng hành động nhỏ (bán hàng đúng giá, quầy kệ gọn gàng, thực phẩm đảm bảo vệ sinh…) sẽ góp phần chuyển tải những tín hiệu tích cực, thu hút du khách đến với TPHCM. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cũng khẳng định sẵn sàng phối hợp cùng ngành du lịch triển khai hàng loạt chương trình giảm giá, khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng ở các trung tâm thương mại lớn, khu vui chơi giải trí... Tập trung vào các mặt hàng gồm hóa mỹ phẩm, hàng thời trang (túi xách, nón, giày dép…) cao cấp, quà tặng các loại. Thêm nữa, trong quá trình ký kết hợp tác phát triển kinh tế giữa TPHCM với các địa phương, điểm nhấn gắn kết về du lịch luôn được chú trọng. “Từng đường tour cụ thể tham quan vườn trái cây địa phương, khu làng nghề truyền thống, kết nối trung trung tâm mua sắm… được các doanh nghiệp làm du lịch vạch ra. Doanh nghiệp như con ong chăm chỉ cùng các sở ngành tạo ra mật ngọt là những sản phẩm địa phương được quảng bá rộng khắp thông qua các tour du lịch”, chị Lê Lưu Ly, phụ trách sản phẩm tại một công ty lữ hành ở TPHCM, cho biết.
Theo Sở Du lịch TPHCM, trong năm 2019, TPHCM dự tính đón khoảng 8,5 triệu lượt khách quốc tế với doanh thu 150.000 tỷ đồng, đóng góp 11% vào GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của TP. Trong đó, TPHCM tập trung thu hút du khách, kéo dài thời gian lưu trú, gia tăng mức chi tiêu của khách thông qua các sự kiện du lịch tiêu biểu như: Đường hoa Nguyễn Huệ, Ngày hội du lịch TPHCM, Lễ hội trái cây Nam bộ, Hội chợ du lịch quốc tế TPHCM (ITE HCMC), nâng cấp cơ sở mua sắm, lưu trú… |