Theo đó, trên cơ sở thống nhất của các bên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, các tổ chức chính trị - xã hội, một số tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam tổ chức ký kết 2 Chương trình phối hợp giám sát ở hai nội dung.
Thứ nhất là giám sát việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Chương trình này do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB và XH, Văn phòng Chính phủ; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Cựu giáo chức Việt Nam ký kết và triển khai thực hiện. Nội dung giám sát sẽ tập trung các quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, trọng tâm là giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và giáo dục dạy nghề. Bên cạnh đó nội dung giám sát cũng tập trung vào việc thực hiện nhiệm vụ GD-ĐT gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của ngành giáo dục, các bộ ngành có liên quan và các địa phương..
Dự kiến năm 2018 sẽ giám sát tại một số tỉnh thành đại diện các vùng, miền; Bộ GD-ĐT và một số bộ ngành liên quan; các cơ sở GD-ĐT ở Trung ương. Trong quý IV-2018, báo cáo kết quả giám sát về GD-ĐT với Đảng, Chính phủ, Quốc hội. Năm 2019, giám sát tại một số tỉnh thành đại diện các vùng miền, một số cơ sở GD-ĐT các địa phương. Quý IV-2019, báo cáo tổng kết chương trình giám sát với Đảng, Chính phủ, Quốc hội và hướng dẫn Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố triển khai giám sát ở địa phương.
Thứ hai là giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH. Chương trình này do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường, các đoàn thể nhân dân, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Hội Y học Việt Nam ký kết và triển khai thực hiện.
Nội dung giám sát tập trung vào chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên và ứng phó với BĐKH. Giám sát việc thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm và công khai kết quả thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường, việc chấp hành pháp luật trong quản lý chất thải trong sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp, bệnh viện, chợ và trung tâm thương mại; nơi giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến thực phẩm. Giám sát trách nhiệm của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng trong đánh giá tác động môi trường, nhất là các dự án đang gây ô nhiễm; giám sát việc xử lý vi phạm khai thác tài nguyên trái quy định.
Trong năm 2018, lựa chọn các địa bàn, đối tượng, hình thức giám sát thuộc các lĩnh vực như chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên và ứng phó với BĐKH. Giám sát việc thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm và công khai kết quả thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường, việc chấp hành pháp luật trong quản lý chất thải trong sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp… để giám sát và sơ kết, rút kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện. Báo cáo kết quả giám sát với Đảng, Chính phủ, Quốc hội. Năm 2019, tổ chức giám sát trên địa bàn toàn quốc, tổng kết chương trình giám sát giai đoạn 2017-2019, xây dựng và triển khai công tác giám sát giai đoạn 2020-2023.