Theo các lực lượng chức năng, số vụ việc vi phạm bị phát hiện và xử lý không giảm nhưng công tác phòng chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) chưa đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt là chưa đáp ứng được mong muốn của các nhà sản xuất, kinh doanh hợp pháp và người tiêu dùng. Kết quả xử lý chưa phản ánh hết thực tế vi phạm trên thị trường, công tác đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả và hàng xâm phạm quyền SHTT vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế và khó khăn. Báo SGGP trích đăng ý kiến phát biểu của một số đại biểu tại hội thảo.
Ông Nguyễn Văn Bách, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM: Sớm hoàn thiện các quy định về thực thi pháp luật
Thực trạng sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm đối với quyền SHTT tại TPHCM ngày càng diễn biến rất phức tạp; có dấu hiệu công khai, xem thường dư luận và các cơ quan chức năng xử lý vi phạm vì nhiều nguyên nhân. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã áp dụng thương mại điện tử thông qua các website để khuyến mãi, quảng cáo, bán hàng, nhưng đây cũng là kênh đang được nhiều đối tượng lợi dụng để rao bán, khuyến mãi nhiều hàng giả, xâm phạm quyền SHTT; đặc biệt là mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng...
Để việc thực thi chống hàng giả, hàng nhái đạt hiệu quả cao, Cục Quản lý thị trường TPHCM kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm hoàn thiện các quy định về thực thi quyền SHTT. Các điều quy định trong luật phải được hướng dẫn cụ thể để các cơ quan thực thi pháp luật có thể áp dụng một cách thống nhất. Cụ thể, trong công tác kiểm tra, xử lý hàng giả, xâm phạm quyền SHTT, việc trả lời kết luận giám định, ý kiến chuyên môn của cơ quan chức năng hoặc chủ sở hữu nhãn hiệu phục vụ cho công tác xử lý còn chậm, chưa đáp ứng thời gian theo quy định của Luật Xử phạt vi phạm hành chính và Pháp lệnh Quản lý thị trường (thời hạn xử lý vụ việc chỉ có 25 ngày hoặc 40 ngày phải có kết luận).
Cần sửa đổi khoản 4 Điều 26 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP của Chính phủ: “Người có thẩm quyền xử lý vi phạm có thể dựa trên văn bản cam kết xác nhận hàng hóa, dịch vụ giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, văn bản ý kiến chuyên môn của cơ quan nhà nước về sở hữu công nghiệp, văn bản kết luận giám định để xác định hành vi vi phạm nhưng phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với kết luận vi phạm và quyết định xử lý vi phạm của mình” theo hướng quy định: “Văn bản kết luận giám định hoặc văn bản của cơ quan chuyên môn lĩnh vực SHTT hoặc văn bản xác nhận của chủ thể quyền là tài liệu làm căn cứ kết luận vi phạm”.
Sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 11 và điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định hành vi vận chuyển; tàng trữ để bán hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền hoặc giả mạo đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý do hành vi vi phạm này được quy định không rõ ràng, cụ thể nên khó xử phạt đối với người vận chuyển thuê và chủ kho tàng, bến bãi, nhà ở cho thuê, vì nếu muốn xử phạt phải chứng minh được đối tượng vi phạm vận chuyển, tàng trữ hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền hoặc giả mạo đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý với mục đích là để bán. Hành vi vi phạm này cần được quy định cụ thể lại là: Vận chuyển; tàng trữ hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền hoặc giả mạo đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý.
Kinh nghiệm từ thực tiễn cho thấy vai trò tham gia của DN - chủ sở hữu quyền SHTT - trong thực thi là rất quan trọng. Luật SHTT của Việt Nam cũng đã quy định đây không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của các DN trong công tác phối hợp và hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật. Sự liên kết, phối hợp giữa các nhà sản xuất trong đấu tranh chống hàng giả cần tích cực hơn nữa. DN không được buông lỏng trong quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hóa của mình, không nên coi việc chống hàng giả là của các cơ quan thực thi pháp luật. Khi bị xâm phạm quyền SHTT, chủ sở hữu cần chủ động gửi đơn khiếu nại hoặc thông qua văn phòng luật sư để khiếu nại đến các cơ quan thực thi để tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định.
Với người tiêu dùng, cần nâng cao tinh thần cảnh giác, trách nhiệm khi mua hàng và phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT là việc làm rất cần thiết. Việc làm này không chỉ để bảo vệ quyền và lợi ích của mình mà còn bảo vệ sự phát triển của nền kinh tế đất nước, chống lại các hành vi phá hoại, kìm hãm sự phát triển của sản xuất. Hiện nay, giữa người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng cần phải thiết lập một mối quan hệ hữu cơ do cơ quan quản lý nhà nước giám sát để điều phối hài hòa các mối quan hệ về lợi ích của các bên.
Ông Nguyễn Phương Minh, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ): Còn khiếm khuyết trong xử lý quyền SHTT
Hàng năm, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) thường có báo cáo để xác định các rào cản thương mại tại các quốc gia khác đối với các công ty và sản phẩm của Hoa Kỳ theo quy định của Luật SHTT về bản quyền, sáng chế và nhãn hiệu. Theo báo cáo năm 2017, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi vi phạm bản quyền và bán hàng giả mạo trực tuyến; hàng giả, bao gồm hàng giả chất lượng cao vẫn tồn tại trên thị trường, mặc dù các cơ quan thực thi đã rất quyết liệt trong công tác chống hàng giả, hàng vi phạm quyền SHTT.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là do phần lớn các vụ việc vẫn chỉ xử lý hành chính. Vấn đề xử lý hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT còn triển khai ở mức độ hạn chế. Trong khi đó, thực thi quyền SHTT bằng biện pháp hình sự là một trong những nội dung quan trọng trong đàm phán của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nhiều nước trong khu vực đều thiết lập hệ thống tòa án mang tính chuyên trách về bảo hộ quyền SHTT. Riêng tại Việt Nam, việc xét xử thường thiếu tính chuyên nghiệp, không tính đến đặc thù của tài sản trí tuệ, không rõ ràng dẫn đến sự chồng chéo…
Với các khiếm khuyết nêu trên thì việc thiết lập một thể chế mang tính chuyên nghiệp nằm trong hệ thống tòa án nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xét xử là cần thiết và kịp thời. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay khi sự tham gia của tòa án trong hoạt động bảo hộ quyền SHTT còn rất khiêm tốn, thì việc thay đổi nêu trên sẽ không tạo ra bất kỳ biến động có hại nào.
Hiện nay, các tòa án của Việt Nam đang gặp phải khó khăn ngay từ khi xem xét các đối tượng như nhãn hiệu, cạnh tranh không lành mạnh, bản quyền… tức đối tượng có tính chất SHTT nói chung chứ không phải tính chất riêng của từng đối tượng; do vậy, không có lý do để xác định tính chất “chuyên trách” theo từng đối tượng như một số nước đang làm. Ngoài ra, việc chuyên trách cho các tòa phúc thẩm là không phù hợp vì theo thống kê chỉ có khoảng 30% các vụ án có kháng cáo, do vậy việc hạn chế tính “chuyên trách” ở cấp sơ thẩm là không phù hợp do không mang lại hiệu quả cao cho công việc xét xử.
Ông Bùi Thế Chuyên, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam: DN phải chủ động bảo vệ mình
Thiệt hại do phân bón giả, kém chất lượng mỗi năm gây hại cho ngành nông nghiệp 2 - 2,5 tỷ USD. Việc sản xuất phân bón giả, nhái, kém chất lượng diễn ra hết sức tinh vi với nhiều thủ đoạn, chiêu trò. Họ đánh vào sự ham lợi của các đại lý, cửa hàng mà tiếp tay cho hành vi sản xuất, tiêu thụ hàng giả và tạo cơ hội để tình trạng gian lận phát triển.
Để hạn chế phân bón giả, kém chất lượng, trước tiên các DN cần phải chủ động để bảo vệ mình bằng cách đăng ký bảo hộ tài sản SHTT sản phẩm do mình sản xuất. Liên kết chặt chẽ với hệ thống khách hàng, đại lý để tăng cường công tác phát hiện và hợp tác với các cơ quan chức năng để xử lý tận gốc hàng gian, hàng giả. Tăng cường công tác tuyên truyền cho bà con nông dân hiểu rõ tính năng, tác dụng, thành phần và hàm lượng hữu hiệu của từng loại phân bón để sử dụng có hiệu quả. Tăng truyền thông để nông dân không nên “sính ngoại” làm ảnh hưởng đến chi phí sản xuất. Điều quan trọng là hướng dẫn nông dân và đại lý phân biệt phân bón thật, giả và nhận thức về các thông tin ghi trên bao bì. Tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc đẩy mạnh việc chống phân bón giả, nhái và kém chất lượng.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra về sản xuất, kinh doanh phân bón giả, về việc in nhãn sản phẩm để tránh gây nhầm lẫn cho bà con nông dân. Rà soát chặt chẽ khi cấp phép cho đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón, xem xét đến quy hoạch ngành cũng như các điều kiện đáp ứng yêu cầu…